Con bạn không nghe lời, con liên tục quấy phá và khóc lóc mỗi khi không được món đồ chơi mà mình yêu thích. Nếu bạn đang gặp những phiền não và đau đầu khi con luôn bướng bỉnh và tỏ ra chống đối thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé. Những cách dạy con nghe lời hiệu quả nhất sẽ được Worldkids – WIS tổng hợp ngay sau đây. Chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình nuôi dạy con trẻ của mọi bậc phụ huynh đấy.
1. Nguyên nhân khiến con không nghe lời
Trước khi áp dụng các cách dạy con nghe lời, giống như mọi việc khác. Bạn cần biết, lý do tại sao trẻ lại không nghe lời. Từ đó sẽ áp dụng các phương pháp hiệu quả nhất.
Khi con còn bé, ba mẹ sẽ luôn bên cạnh và chăm chút từng tí một cho con. Luôn luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con từ vui chơi đến ăn uống, ngủ nghỉ. Mỗi khi con khóc sẽ tự động dỗ dành cho dù nguyên nhân gì chăng nữa. Tất nhiên đối với giai đoạn này thì điều này là vô cùng cần thiết, và cũng không hề sai.
Khi con dần lớn lên và bắt đầu có những nhận thức về thế giới xung quanh. Con sẽ tự động nhận ra rằng mình là trung tâm của gia đình. Do đó, trẻ bắt đầu không nghe theo sự kiểm soát của bất cứ ai. Thực chất, phản ứng này là vô cùng tự nhiên, và vô cùng bình thường.
Một điều hiển nhiên là ở giai đoạn này, trẻ vô cùng non nớt. Vì thế, trẻ không thể hiểu tại sao mọi người lại cư xử như vậy với mình. Dần dần, dễ nảy sinh ra các phản ứng như la hét, cáu kỉnh, hay khóc lóc, ăn vạ,… khi muốn biểu thị sự chống đối của mình với người lớn.
Nếu ba mẹ hay ông bà trong gia đình không thể tìm ra cách dạy con biết nghe lời, tình hình sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, việc giáo dục cho trẻ từ khi còn nhỏ là điều vô cùng quan trọng.
2. Những cách dạy con nghe lời bố mẹ nên học hỏi:
2.1 Cách dạy con nghe lời: Kiên nhẫn và lắng nghe con
Khi trẻ quấy khóc hay bướng bỉnh, phản ứng tự nhiên của ba mẹ đó chính là vội vàng cáu gắt hoặc mắng mỏ và tranh luận với con. Điều này trên thực tế là không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì cho con. Nó chỉ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi trẻ đang cố chống đối, cách dạy con không nghe lời tốt nhất là ba mẹ nên nhẹ nhàng khuyên bảo và từ từ nói chuyện với con, để tìm ra được nguyên nhân khiến con có thái độ như vậy. Hãy nhớ rằng, chỉ có kiên nhẫn thì tình hình mới được kiểm soát theo ý muốn của ba mẹ.
2.2 Cách dạy con biết nghe lời: Thấu hiểu trẻ
Mỗi khi con không nghe lời, việc cố gắng bắt con học chỉ mang đến những chống đối còn gay gắt hơn từ trẻ. Điều này chỉ khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Những lúc như vậy, để dạy con nghe lời, ba mẹ nên đưa con đến những nơi yên tĩnh, để trẻ suy nghĩ về hành vi của mình.
Sau khi con đã không còn quấy khóc, ba mẹ nên nói chuyện với con để có sự thấu hiểu đôi bên. Đồng thời, từ từ khuyên giải con làm theo những điều đúng đắn.
2.3 Phớt lờ các đòi hỏi không thích đáng từ con
Việc luôn đáp ứng những yêu cầu khiến trẻ dễ dàng hình thành tâm lý thích gì được nấy, khéo theo việc ngày càng bướng bỉnh và khó bảo hơn. Một khi điều này đã trở thành thói quen, thì mỗi khi không được làm theo ý muốn, trẻ sẽ tự nhiên liên tục quấy khóc, và “ăn vạ”.
Nếu con liên tục đưa ra những yêu cầu, hay đòi hỏi không thích đáng, ba mẹ hãy cố lờ đi chúng. Đây mới chính là cách dạy con khi không nghe lời, bướng bỉnh tốt nhất. Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng, không phải vì bạn yêu con nên mọi yêu cầu của con đều phải thực hiện. Đó không phải là cách dạy con đúng đắn.
2.4 Luôn động viên và khuyến khích con
Đôi khi sự cáu gắt, cứng đầu và không nghe lời của trẻ lại đến từ những hành xử không đúng đắn của những người lớn xung quanh.
Chính vì vậy, khi con ngoan hoặc làm gì đó tích cực, ba mẹ nên chủ động khen ngợi và động viên con ngay lập tức. Một món quà nhỏ đôi khi sẽ là động lực để con luôn làm việc tốt.
2.5 Dạy con nhưng đừng ép buộc con
Tuy rằng còn nhỏ, thế nhưng mỗi đứa trẻ khi đến một độ tuổi nhất định, chúng đều sẽ có những tư duy, nhu cầu cũng như sở thích riêng của mình. Do vậy, tuy muốn dạy con nghe lời, ba mẹ không nên bắt ép con phải làm theo những việc mà chúng không thích.
Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì dần dần, tâm lý nổi loạn trong trẻ sẽ được hình thành, khiến con càng ngày càng không nghe lời người lớn hơn.
2.6 Để bé cảm nhận không khí gia đình ấm cúng
Người ta thường nói, trẻ em chính là tấm gương phản chiếu của ba mẹ. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em sẽ học hỏi rất nhiều qua các cư xử và hành động của người lớn. Nếu ba mẹ thường xuyên cãi nhau, hoặc làm những hành động không tốt thì con rất dễ sẽ bắt chước theo.
Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và cách cư xử của trẻ. Do đó, ba mẹ nên để bé cảm nhận không khí gia đình ấm cúng, và sống trong tình yêu thương. Điều này sẽ giúp tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách toàn diện cho trẻ.
2.7 Giải thích hậu quả khi con không nghe lời
Hình phạt đôi khi vẫn là một điều cần thiết. Đây phương pháp dạy con biết nghe lời hiệu quả đôi khi vẫn thường được áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, trước khi áp dụng một hình phạt nào đó, ba mẹ nên giải thích cho con biết tại sao con bị phạt. Phải để con hiểu rằng, khi con làm ra một hành động nào đó không đúng, thì con nên trả một giá thích đáng cho nó.
2.8 Liên kết với con mỗi ngày
Ba mẹ luôn phải là chỗ dựa cho con, nhất là trong lúc con còn nhỏ, có rất nhiều việc con không biết cách ứng xử phù hợp. Mỗi ngày, ba mẹ nên dành thời gian ra để nói chuyện với con, giúp con bộc lộ những cảm xúc trong lòng. Khi trở thành một người bạn, trẻ em sẽ có xu hướng mở lòng hơn, chúng sẽ nhanh chóng hợp tác hơn. Đây là cách dạy con nghe lời cần sự kiên trì rất lớn từ phía ba mẹ.
2.9 Không bảo bọc con dạy tính tự lập từ nhỏ
Ngay khi trẻ còn nhỏ, ba mẹ nên dạy con cách để tự lập, không nên quá dựa dẫm vào người lớn. Phải dạy con biết cách đối đầu với thử thách, vấp ngã thì tự đứng lên như thế nào. Các bậc phụ huynh không nên vì xót con ngã hay sợ con khóc nhiều mà quá mức bao bọc. Điều này không phải là cách dạy con đúng đắn.
2.10 Cách dạy con nghe lời hiệu quả nhất: Đừng thất hứa với trẻ
Nếu ba mẹ đã thiết lập một lời hứa nào đó với con thì hãy cố gắng thực hiện theo đúng lời hứa đó. Trong trường hợp bất khả kháng không thể làm khác, ba mẹ hãy xin lỗi con, giải thích để con hiểu. Đồng thời thành lập một lời hứa khác.
Việc thất hứa với con thật sự là rất nguy hiểm, sẽ mang đến tâm lý thất vọng cho trẻ, khiến trẻ trở nên cáu gắt và khó chịu.
2.11 Không nên can thiệp khi con chơi
Nếu trẻ không muốn bạn chơi cùng thì ba mẹ không nên can thiệp vào trò chơi của con. Hãy chỉ đứng ở bên ngoài quan sát, không giúp đỡ, không bênh vực, không la mắng. Và chỉ làm trọng tài khi có tình huống thực sự cần thiết.
2.12 Hãy cho bé biết những điều nên và không nên làm
Thói quen của các bậc phụ huynh khi nuôi dạy con cái đó là liên tục nhắc nhở con không được làm gì đó: không được chơi, không được xem điện thoại, không được chạm tay vào kia,… Đây không phải là cách dạy con nghe lời hiệu quả.
Việc đưa ra những yêu cầu không được trong lứa tuổi này, sẽ khiến con phải tập trung để xử lý một lượng thông tin cực lớn “không và được làm gì”. Song nếu ba mẹ khuyên con nên làm gì thì trẻ chỉ cần ghi nhớ, và tập trung cho ý “nên làm gì” theo như cách mà ba mẹ mong muốn.
Không những thế, việc thường xuyên không cho trẻ làm bất cứ điều gì, nhưng cũng không giải thích lý do tại sao, sẽ làm trẻ không thể ghi nhớ được, khiến lỗi sai này sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại nhiều lần. Lâu dần sẽ làm cho trẻ bức bối, dễ hình thành tâm lý đối nghịch và phản kháng.
Vậy nói sao cho trẻ nghe lời? Thay vì “con không được sang đường chơi”, ba mẹ nên bảo với con rằng “con nên chơi ở trong sân nhà thôi nhé”. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp thu và nghe lời hơn rất nhiều.
2.13 Dạy con bằng cách đưa ra các quy định rõ ràng
Việc đưa ra một thời khóa biểu rõ ràng không chỉ giúp trẻ tự động ghi nhớ và hình thành những thói quen tốt. Điều này còn giúp giảm thiểu tối đa những lần la hét và cáu kỉnh của ba mẹ. Các bậc phụ huynh nên đưa ra những quy định rõ ràng cho con như khi nào thì ăn cơm, được chơi bao lâu, thời gian biểu đi ngủ,… khi con ngoan sẽ được thưởng gì và khi không ngoan thì sẽ bị phạt như thế nào.
Ví dụ, ba mẹ hãy nói rằng “sau khi chơi xong, con nên dọn dẹp đồ chơi lại thật gọn gàng, nếu không ngày mai con sẽ không được chơi tiếp”. Việc có được chơi vào ngày mai hay không sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của trẻ, nên con thường sẽ có xu hướng nghe theo mong muốn của ba mẹ.
Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên lưu ý rằng, không phải hình phạt nào cũng thật sự có hiệu quả trong việc dạy dỗ con cái. Hình phạt này có thể tác động được đến hành vi của bé này nhưng với bé khác thì có khi không thể được. Do đó, ba mẹ nên chọn những hình phạt phù hợp với tâm lý của con, có tính răn đe, để trẻ không còn cãi lời nữa.
Phạt trẻ bằng đòn roi không phải là cách dạy con nghe lời tốt nhất. Điều này chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hy vọng sau bài viết của Worldkids, các bậc phụ huynh đã có thêm kinh nghiệm trong việc dạy con. Hãy luôn là tấm gương tốt để con noi theo, đây mới chính là cách dạy dỗ con cái hiệu quả nhất.