Vì sao trẻ con khó giữ bình tĩnh trong cơn giận dữ?
Đôi khi chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi bởi những cơn giận dỗi, mè nheo của con mà chẳng rõ nguyên nhân. Đối với trẻ em, những cơn giận dữ thường xảy ra thường xuyên, vì trẻ chưa biết cách lựa chọn cảm xúc và giải quyết vấn đề như người lớn. Dù có rất nhiều cách để đối mặt với trẻ trong những lúc này nhưng người lớn chúng ta lại khó có đủ bình tĩnh và tỉnh táo để xoa dịu trẻ mà thường quát nạt, mắng mỏ, đôi khi còn có cả bạo lực.
Nhưng thực tế, khả năng bình tĩnh của chúng ta trong giữa “tâm bão” của trẻ lại mang đến hy vọng và cảm giác an toàn để trẻ dễ dàng trở lại bình thường hơn đấy. Tất nhiên để làm được điều này, chúng ta cần hiểu con nhiều hơn. Đặc biệt là thông cảm với con vì cảm giác tức giận không hề dễ chịu gì và trẻ cũng không mong muốn điều đó.
Trong cơn giận dữ điều gì đang xảy ra trong não của trẻ?
Nhà thần kinh học Dan Siegel và chuyên gia nuôi dạy con Tina Bryson đã mô tả một cách sáng tạo về “nửa trên” và “nửa dưới” của não. Vùng não bộ nguyên thủy của chúng ta – hệ limbic và hạch nhân nằm ở “nửa dưới” của não bộ liên quan đến việc điều khiển cảm xúc, những hành vi mang tính chất bốc đồng. Còn “nửa trên” của não cho phép xử lý và cân bằng cảm xúc, sau đó dẫn đến quyết định, hành động hợp lý.
Theo Marsha Linehan – người sáng lập phương pháp trị liệu hành vi biện chứng cho biết, một bộ não “thông minh” là có sự tích hợp giữa cảm xúc và lý trí. Bốn khía cạnh của bộ não là: trên, dưới, trái, phải cần có những kết nối mạnh mẽ để tạo ra một bộ não khỏe mạnh.
Trong cơn thịnh nộ, khi các hạt hạch nhân và cảm xúc bùng lên, lý trí gần như không thể xâm nhập được vào vùng “não dưới” của trẻ. Trẻ khó có thể bình tĩnh trong lúc giận dữ vì bộ não đang phát triển của chúng khác người lớn ở chỗ đưa ra quan điểm, sử dụng kiến thức để bình tĩnh trong các tình huống nổi giận.
Điều này cho thấy một cơn giận dữ của trẻ hoạt động ở mức độ bản năng, đơn giản là lý trí không can thiệp được. Khi nhận ra điều này, chúng ta có nhiều lựa chọn hiệu quả hơn để nhanh chóng dập tắt những cảm xúc tồi tệ của con bằng sự kiên nhẫn thay vì quát lên là: “Không được khóc”, “Bình tĩnh lại” .
5 cách giúp trẻ bình tĩnh hơn
Đôi khi lúc chúng ta khi thấy các hành vi và cảm xúc không đúng mực của trẻ, thì điều tiên phải làm là đưa ra ranh giới, hậu quả rõ ràng cho con. Tuy nhiên, khi những đứa trẻ của chúng ta đang vượt qua một cuộc khủng hoảng, điều chúng ta cần làm ngay lúc ấy là làm dịu và kết nối với chúng.
Hãy thông cảm
Có những thứ dường như bình thường đối với bạn nhưng lại có thể rất quan trọng đối với trẻ. Ví dụ như: Trẻ rất thích chiếc tất màu xanh nhưng bạn lại lấy cho con chiếc tất màu đỏ, con thích đọc cuốn sách về chú gấu nhưng bạn lại lấy cuốn có bạn voi…và rất có thể những điều đơn giản này cũng khiến con khóc và nổi giận.
Điều quan trọng là luôn xác nhận cảm xúc của con, không phủ nhận chúng. Nếu con yêu thích và đam mê một điều gì đó thì hãy tôn trọng con, đặt vào vị trí, suy nghĩ của con để thông cảm với con nhiều hơn.
Cho không gian, nhưng đảm bảo an toàn
Trẻ em khi giận giữ có khuynh hướng gây hấn về thể xác. “Góc bình tĩnh” có thể phù hợp với con để con bình tĩnh nhưng bạn cũng không nên để khoảng cách giữa con và bạn quá xa.
“Mọi chuyện rồi cũng qua” là cách nói vui vẻ và lạc quan mà chúng ta vẫn dùng. Sau khi áp dụng kỷ luật, con đã bình tĩnh thì bạn đừng ngại ngần ôm con vào lòng và thể hiện sự yêu thương. Điều này không chỉ khiến chúng cảm thấy thoải mái trong lòng mà còn thoải mái bởi không khí mà bạn tạo ra cho con.
Hãy nói với con: “Tức giận là điều bình thường”
Cảm xúc là một phần bình thường trong sự phát triển của con người và bản thân người lớn chúng ta cũng trải nghiệm một loạt cảm xúc khác nhau trong ngày. Bất kỳ hậu quả nào bạn đưa ra cho con trong khi chúng buồn bã nên luôn luôn dành cho các hành vi, không phải cho cảm xúc.
Không phản ứng quá mức với con
Có thể trong lúc con đang tức giận, bạn dỗ dành nhẹ nhàng nhưng trẻ vẫn tiếp tục gào thét. Điều này là hoàn toàn bình thường. Hành động dỗ dành của bố mẹ tuy không giúp con bình tĩnh lại ngay nhưng lại giúp con cảm thấy an tâm và an toàn. Nhưng khi bạn không kiềm chế được mà hét lên với con thì chắc chắn sự căng thẳng càng tăng cao. Nếu lúc này trẻ ngừng khóc, ngừng khủng hoảng thì có thể vì trẻ quá sợ hãi mà thôi, chứ gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết.
Nghe bằng ánh mắt
Trẻ em cần cảm thấy được lắng nghe, đặc biệt là khi buồn bã. Giao tiếp bằng mắt giúp các con cảm thấy như vậy. Cho phép con nói về cảm giác của mình sẽ giúp con dễ bình tĩnh và cảm giác được thông cảm hơn.
Thật ra, nếu cơn giận dữ không làm ảnh hưởng đến thể xác của con và những người xung quanh thì bạn nên để con được thoải mái thể hiện sự bực tức của mình. Sau khi con vượt qua thì mới đưa ra quy tắc và kỹ năng để con xử lý chúng ở những tình huống sau. Việc để con đối mặt với suy nghĩ và cảm xúc của con sẽ giúp con trưởng thành hơn đấy!