Tập nết ăn uống cho trẻ nhỏ
Cha mẹ cần tập nết ăn uống cho trẻ nhỏ ngay từ khi còn bé, vì thói quen ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà nó còn là một trong những yếu tố để đánh giá một con người. Tất nhiên, trẻ còn nhỏ nên việc ăn uống phải theo đúng phép tắc là rất khó khăn. Cái cảnh đồ ăn vung vãi, vừa ăn vừa xem tivi, chê món này, đòi ăn món kia,…thường xuyên xảy ra trong các gia đình có trẻ nhỏ. Để khắc phục tình trạng này, bài viết dưới đây sẽ cho các bậc phụ huynh một số lời khuyên hữu ích.
Kiên trì hướng dẫn trẻ sử dụng dụng cụ ăn
Ngay từ khi trẻ mới 2 tuổi, bố mẹ đã có thể hướng dẫn trẻ cầm thìa để xúc cơm ăn. Đến 3 tuổi, có thể tập cho trẻ ăn cơm bằng đũa. Bố mẹ cần kiên trì nhẫn nại hướng dẫn trẻ cách cầm chén, thìa, đũa, xúc cơm,…như thế nào cho đúng cách. Chắc chắn lúc đầu trẻ còn vụng về nhưng sau một thời gian trẻ sẽ thuần thục sử dụng dụng cụ ăn và sẽ vào nếp hơn.
Luôn nhắc nhở
Cha mẹ hãy luôn trong trạng thái sẵn sàng nhắc nhở trẻ bởi thông thường bé rất hay quên, cần có thời gian để thích nghi với những thói quen đó. Ví dụ như trẻ ăn dính mép mà lấy tay lau, cha mẹ cần nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu vì sao không nên làm thế, như vậy sẽ mất vệ sinh? Lần đầu nhắc trẻ vẫn tái phạm thì cha mẹ kiên trì với lần thứ 2, thứ 3….Phải quyết tâm trong việc giúp con đoạn tuyệt với những thói quen xấu trong ăn uống.
Hãy nhắc nhở bé khi đến ăn uống tại nhà hàng, nơi công cộng để trẻ hiểu khi đến ăn những nơi đó thì cần nhẹ nhàng, tự ăn hết phần của mình, không la hét, quấy khóc. Đó mới là một đứa trẻ ngoan.
Thực hiện thói quen ăn uống tốt
Đối với những đưa trẻ biếng ăn, cha mẹ hoặc người lớn thường chiều chuộng để trẻ ăn bằng cách cho đi lòng vòng hoặc mở tivi, đồ chơi để thu hút sự chú ý của trẻ. Tuy nhiên, đây là những thói quen không tốt. Điều này gây hại cho quá trình tiêu hóa thức ăn, đồng thời tăng khả năng nhiễm bệnh từ các vi khuẩn trong đồ chơi.
Bố mẹ có thể sắm cho trẻ các bộ dụng cụ ăn thật xinh xắn, dễ thương và bắt mắt để mỗi khi trẻ ngồi ăn được cầm những dụng cụ mà mình thích như đôi đũa, cái bát,…sẽ làm tăng hưng phấn cho bữa ăn của trẻ. Tạo điều kiện dễ dàng để trẻ thực hiện các nguyên tắc mà cha mẹ đã đề ra.
Thời gian ăn nên có quy định cụ thể và khoa học. Đúng giờ ăn mọi người trong nhà sẽ dừng hết các việc đang làm dở, rửa tay sạch sẽ và ngồi vào bữa cơm. Không có chuyện cao su, mải chơi quên ăn. Bố mẹ cũng nên quy định xử phạt những thành viên trong gia đình nếu mắc phải lỗi này.
Trên bàn ăn, đôi khi thức ăn để quá xa với trẻ, trẻ sẽ có thói quen chồm người với lấy thức ăn. Đây là thói quen rất xấu, đặc biệt khi đi ăn tại các chỗ công cộng. Bố mẹ đừng quên nhắc trẻ “ Nếu thức ăn quá xa mà con không với lấy được hãy nhờ bố mẹ hoặc người ngồi cạnh các món đó gắp giúp con nhé”.
Học cách không phàn nàn
Đây gần như là việc 90% các ông bố bà mẹ thường gặp phải, trẻ cực kì hay phàn nàn về thức ăn. Nào là con không thích ăn món này, con thích ăn món kia, sao mẹ lại nấu món này mặn thế,…. Trẻ có phản ứng như vậy dễ làm cho bố mẹ bực mình đồng thời đối với người nấu sẽ là một sự không tôn trọng.
Các chuyên gia khuyên, bố mẹ có thể nói “Được thôi, vậy con hãy bắt đầu tự nấu. Nhưng cần đảm bảo là đồ ăn của con phải tốt cho sức khỏe và nấu xong phải dọn sạch bếp”. Với cách này trẻ hiểu rằng, hoặc bé sẽ thưởng thức món ăn mẹ nấu mà không phàn nàn hoặc con sẽ chăm chỉ nấu nướng dọn dẹp và trở thành đầu bếp của gia đình.
Cha mẹ làm gương cho trẻ
Trẻ nhỏ thường thích bắt chước các việc người lớn làm. Bố mẹ có thể tận dụng lợi thế này để tập nết ăn uống cho bé. Nếu cha mẹ luôn thể hiện sự lịch sự khi ăn uống thì trẻ cũng sẽ học được điều đó.
Mặt khác, bố mẹ cũng nên dành những lời khen cho trẻ khi trẻ thể hiện tốt. Sự khích lệ đó sẽ giúp bé nỗ lực ăn ngoan hơn để làm bố mẹ vui lòng. Không nên vội la mắng và có những biện pháp mạnh, điều đó chỉ làm trẻ phản kháng nhiều hơn.
Nguồn: worldkids.edu.vn