Nói nhẹ trẻ vẫn nghe lời
Bí quyết nói nhẹ trẻ vẫn nghe lời. Khi tức giận, cha mẹ thường trút lên trẻ những lời lẽ công kích, hạ thấp chúng, kết quả trẻ sẽ lảng đi, cãi lại. Tuy nhiên, nếu phụ huynh bày tỏ cảm xúc của mình, trẻ sẽ lắng nghe và đáp lại tích cực.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng “thương cho roi cho vọt”, không mắng con, con sẽ nhờn và không biết nghe lời. Tuy nhiên thực tế chứng mình đây không phải là cách dạy con hay. Cũng như vậy, công kích, mắng mỏ hay so sánh con với người khác không làm trẻ nghe lời bạn hơn.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn của Hội quán các bà mẹ) cho rằng gào thét dạy con là cách dạy mệt, tốn năng lượng nhưng hiệu quả rất thấp, gần như bằng không. Theo bà, muốn nói để con nghe, cha mẹ nên nhớ những quy tắc sau: Nêu đúng vấn đề, nói ngắn gọn, không ra lệnh và cha mẹ có thể diễn tả cảm xúc của mình.
1. Miêu tả những gì mình thấy hoặc nêu vấn đề
Thay vì trách mắng con vì những điều con làm sai, bố mẹ nên nếu vẫn đề mà con thấy để con hình dung hậu quả. Khi đó con sẽ tự biết phải làm gì. Trẻ rất khó thực hiện việc phải làm một cách bắt buộc nhất là khi bị quát hét. Ngược lại, trẻ dễ dàng giải quyết vấn đề hơn khi bố mẹ chỉ đơn giản nêu ra vấn đề. Hãy thử cách làm này và đánh giá hiệu quả của nó nhé.
2. Thay vì ra lệnh, hãy diễn giải vấn đề
Diễn giải vấn đề là cách làm rất hay mà mỗi bậc cha mẹ nên áp dụng. Thay vì quát lên “con không được làm như vậy?” bạn hãy diễn giải cho chúng lí do con không nên làm như vậy. Trẻ có thói quen thích lắng nghe người lớn nói và khám phá tò mò “tại sao thế này?, tại sao thế kia?”, vì vậy khi bạn diễn giải, con sẽ nghe lời bạn và không làm việc đó nữa. Bởi vì mệnh lệnh khiến trẻ chống đối. Diễn giải vấn đề sẽ khuyến khích con tìm ra giải pháp.
3. Thay vì công kích, hãy bày tỏ cảm xúc của bạn
Thay vì chê bai con, công kích và so sánh con, bố mẹ hãy bày tỏ cảm xúc của mình một cách chừng mực với những gì chon chưa làm được. Nếu bố mẹ nói rằng bố mẹ không vui, có chút thất vọng vì con chưa làm việc nọ việc kia, con sẽ cảm thấy áy náy và tiếp tục làm công việc đó. Khi tức giận, chúng ta thường trút lên đầu trẻ những lời lẽ công kích, hạ thấp chúng, kết quả là trẻ sẽ lảng đi, cãi lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta bày tỏ cảm xúc của mình, trẻ sẽ lắng nghe và đáp lại tích cực.
4. Thay vì giảng đạo dài dòng, hãy nói ngắn gọn
Thay vì nói một tràng những lỗi của con, bạn chỉ cần chỉ thẳng vào vấn đề và yêu cầu con giải quyết. Trẻ thường cho ra ngoài tai các bài giảng đạo lê thê. Một lời ngắn gọn khiến trẻ để tâm và hợp tác. Bạn cần đi thẳng vào vấn đề thay vì lúc nào cũng ca thán, nói đạo lý dài dòng với trẻ.
5. Chia sẻ thông tin và viết tin nhắn.
Khi chúng ta chia sẻ thông tin thì tự trẻ cũng biết phải làm gì. Trẻ sẽ hiểu được những thông tin đó và cố làm theo xem mình có làm được không và chờ đợi lời khen từ bố mẹ. Ngoài ra, muốn dặn dò con điều gì, phụ huynh có thể viết những tin nhắn với theo giọng điệu của trẻ dán lên tường, trẻ em cũng tiếp thu rất nhanh, như “Cấp cứu, tóc của bạn làm tắc ống nước rồi, bồn tắm của bạn kính báo”.
Nguồn: https://worldkids.edu.vn