Nguyên tắc “sống còn” khi để con ở nhà một mình
Worldkids – Nguyên tắc “sống còn” khi để con ở nhà một mình. Cuộc sống công nghiệp khiến chúng ta ít có thời gian bên cạnh để chăm sóc con cái, đặc biệt là mùa hè, khoảng thời gian bé được nghỉ ở nhà nhiều hơn. Chúng ta cần nắm vững một số quy tắc cơ bản sau đây:
Những cân nhắc cần xem xét khi để bé ở nhà một mình:
Độ tuổi của bé: Đối với những bé dưới 8 tuổi hoặc khi bé chưa đủ lớn và sẵn sàng để ở nhà một mình bạn hãy chọn cách gửi bé vào trường mầm non quốc tế hoặc lớp học năng khiếu. An toàn hơn là có người trông bé và chơi cùng bé.
Bé đã có đủ những kỹ năng cần thiết để bạn có thể tự tin quyết định cho bé ở nhà một mình hay chưa:
- Bé đã có thể làm những việc mà bạn hướng dẫn và có trách nhiệm với những việc bạn đề nghị như làm bài tập về nhà và làm những việc đơn giản để tự chăm sóc mình ở nhà một mình.
- Bé có thể giữ được bình tĩnh khi có việc gì đó xảy ra không như ý muốn .
- Bé có thể xử lí những tình huống bất ngờ mà không tự làm tổn thương mình.
- Bé có hiểu được những việc nguy hiển và không nguy hiểm, những việc nên làm và không nên làm ở độ tuổi của bé.
Không nên để bé ở nhà một mình cùng với thú cưng quá lớn
- Bé có nhận thức được những tình huống và có đủ các hướng dẫn để xử lý trong trường hợp có nguy hiểm xảy ra.
- Bé đã có một số kiến thức cơ bản về sơ cứu thương khi bị vấp té hoặc trầy xước.
- Bé làm theo lời dặn và đặc biệt là “tránh xa người lạ”, không để người lạ vào nhà khi không có người lớn ở nhà.
Để con làm quen với việc ở nhà một mình,ba mẹ nên tập cho bé chơi riêng một mình trong nhà trong khoảng thời gian ngắn và tăng dần thời gian, nếu bé có thể hoàn thành tốt việc tự chăm sóc mình thì bạn có thể yên tâm hơn với việc để bé ở nhà một mình.
Những chuẩn bị cần thiết cho con ở nhà một mình:
- Bé ở nhà một mình cần phải được giữ chìa khóa và tự mở cửa để ra vào nhà.
- Hướng dẫn bé cách sử dụng điện thoại và hãy cho bé một danh bạ điện thoại cần thiết để bé gọi khi cần, ở nơi bé dễ thấy rõ nhất.
- Luôn có sẵn trong nhà bộ sơ cứu thương, đèn pin và dạy bé cách sử dụng những đồ vật đó khi cần thiết.
- Dự trữ một số thực phẩm ăn liền được đóng gói sẵn, hạn chế việc cho bé tự nấu ăn khi không có người giám sát, kể cả việc nấu nước để ăn mì ăn liền hoặc cháo ăn liền.
- Những vật dụng được lưu ý tránh xa tầm tay trẻ em thì nên cất xa tầm tay và tầm mắt của bé.
- Tùy vào tình hình bé phải ở nhà một mình trong bao lâu bạn nên nhờ một người thân tín thỉnh thoảng ghé qua để trông chừng bé.
- Đề nghị và đưa ra một số quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn khi ở nhà một mình như:
- Không dùng lò vi sóng, không đụng đến bếp ga, bếp điện, điện và các thiết bị điện …
- Không mở cửa cho bất kỳ ai khi chưa được sự đồng ý của ba mẹ, dù là người quen.
- Không rủ bạn bè qua nhà chơi khi ba mẹ không có ở nhà.
- Luôn đóng cửa sổ và cửa ra vào.
Để tránh việc nhàm chán khi ở nhà một mình, bạn hãy đưa ra một vài đề nghị để bé hoạt động cho đến khi bạn có mặt ở nhà, tránh việc bé rảnh rỗi dễ nghịch ngợm và phát sinh tình huống nguy hiểm.