Khi bé hay la hét – Nguyên nhân và biện pháp
Worldkids – Khi bé hay la hét thì bố mẹ cần xử lý như thế nào. Trong quá trình phát triển của trẻ sẽ có những giai đoạn bạn thấy con rất hay la hét đặc biệt là giai đoạn trẻ 15-18 tháng tuổi. Và có vẻ như bé rất thích thú với hành động này. Nguyên nhân nào khiến bé hay la hét? Các bậc phụ huynh cần có những biện pháp nào để xử lý tình hình này? Dưới đây là những thông tin hữu ích.
Nguyên nhân khiến bé hay la hét
Bé la hét không hẳn là vì bé muốn làm phiền bạn hay gây sự chú ý mà có thể là do bé nghịch ngợm. Các con ở tuổi chập chững luôn rất thích khám phá thế giới xung quanh, thử nghiệm những điều mới mẻ mà mình có thể làm.
Trong trường hợp này âm thanh dữ dội từ trong miệng mình hét ra chính là điều mới mẻ và khiến bé rất phấn khích. Với bé đây có lẽ là một trò chơi mới đầy thích thú. Bé bỗng nhận ra mình có khả năng hét, gào và sẽ rất sung sướng mỗi khi có cơ hội được thử sức.
Hơn nữa con còn nhỏ nên chưa đủ nhận thức để biết những nơi nào không được làm ồn và cách giữ lịch sự nơi công cộng. Đồng thời ngôn ngữ chưa đủ nhiều và kỹ năng giao tiếp còn hạn chế nên la hét đôi khi cũng là cách bé chọn để tương tác với mọi người xung quanh.

Làm gì khi con bạn hay la hét?
Điều cha mẹ cần biết
Bởi hệ thống thần kinh của trẻ còn chưa ổn định vì vậy các con rất dễ bị kích động bởi tiếng la hét do chính mình tạo ra. Sau đó bé cũng cần một khoảng thời gian mới lấy lại được bình tĩnh. Tuy nhiên cũng giống như một vài thói quen ở những giai đoạn phát triển trước đó, việc hay la hét sẽ sớm qua đi khi bé dần lớn lên.
Điều cha mẹ nên làm khi trẻ hay la hét
Để hạn chế bé la hét ầm ĩ, bố mẹ nên thực hiện một số việc sau:
– Điều chỉnh âm thanh trong nhà: bố mẹ không nên bật đài, ti vi to hoặc làm ồn. Quan trọng nhất là bố mẹ tuyệt đối hét lên để buộc con ngừng la hét. Bởi bố mẹ chính là tấm gương cho con, bố mẹ làm điều gì thì con sẽ làm theo nhanh chóng.
Cách tốt nhất là khi bé bắt đầu la toáng lên, bố mẹ hãy bật một bản nhạc mà bé thích và rụ bé hát theo. Nếu bé không quan tâm, lờ đi và vẫn tiếp tục la hét, bố mẹ có thể cùng bé chơi trò chơi hoặc hỏi bé có thể bắt chước tiếng của những loài vật nào và cùng thi với bé. Trẻ rất dễ bị thu hút bởi những điều thú vị, ngộ nghĩnh vì thế bố mẹ hãy cố gắng nghĩ ra thật nhiều trò vui để giúp bé nhanh chóng quên đi việc la hét.
– Thì thầm: một cách nữa cũng không kém phần hiệu quả là bạn hãy lại gần và thì thầm vào tai con. Hành động đơn giản này sẽ thu hút sự chú ý của bé và tò mò lắng nghe nên sẽ nhanh chóng ngừng la hét.
Khi bạn đang cùng con ở nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, nhà ga hay ở trường học,.. mà bé hét toáng lên thì bạn nên đưa con ra ngoài. Lúc này bố mẹ phải thật bình tĩnh không nên hét vào bé hay quát mắng con và càng không nên căng thẳng mà trừng phạt con. Điều đó sẽ khiến bé càng dễ mất kiểm soát và tỏ ra bướng bỉnh hơn thậm chí còn gào thét dữ dội hơn nhiều.
– Khen ngợi tích cực: nếu con không la hét vào những thời điểm thích hợp, bố mẹ hãy khen ngợi để con biết mình đang hành động đúng và tích cực phát huy. Chỉ cần bạn kiên nhẫn, bình tĩnh đồng hành cùng con giai đoạn này sẽ nhanh chóng qua đi.