5 điều đơn giản dạy trẻ thói quen ăn uống lành mạnh
5 điều đơn giản dạy trẻ thói quen ăn uống lành mạnh mà các bố mẹ cần áp dụng. Ăn uống lành mạnh là một trong những thói quen quan trọng mà các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho con nhằm giữ gìn sức khỏe và định hình nhân cách cho các bé.
Là một tấm gương tốt
Trẻ con rất thích bắt chước và học theo rất nhanh mọi thứ người lớn làm. Các bé ở bên bạn thường xuyên nên mọi sinh hoạt của bạn, trong đó có ăn uống cũng ảnh hưởng rất lớn đến thói quen ăn uống của bé.
Hàng ngày, bạn ăn gì và không ăn món gì, cách bạn ăn uống như thế nào thì bé cũng quan sát và thực hiện theo. Lâu dần, sự bắt chước này trở thành thói quen của trẻ.
Nếu bạn nhịn ăn sáng thì đừng thắc mắc tại sao bé lại không chịu dùng bữa sáng. Hoặc bạn ăn uống không theo giờ giấc thì bạn sẽ gặp khó khăn khi đưa bé vào nề nếp ăn cơm đúng giờ.
Vậy nên bạn hãy là tấm gương tốt ngay cả trong việc ăn uống, bao gồm ăn đúng giờ, đủ bữa, đủ loại thực phẩm tốt cho sức khỏe thì con bạn cũng sẽ thực hiện tốt thói quen này.
Cùng con chọn lựa đồ ăn
Bạn sẽ không ít lần cảm thấy khó khăn khi ép bé phải ăn các thực phẩm dinh dưỡng. Hoặc đến bữa cơm thì bé không chịu ăn các món bạn đã chuẩn bị sẵn, mặc dù đó là bữa ăn tươm tất, thơm ngon, bổ dưỡng.
Với vấn đề này, một gợi ý hay là bạn nên cùng con chọn lựa đồ ăn như cùng đi chợ, đi siêu thị. Trong lúc lựa chọn đồ ăn, bạn và con có thể thảo luận về các món ăn mà cả bé và bạn đều yêu thích. Đồng thời, bạn có thể giải thích thêm về vai trò dinh dưỡng của món ăn đến sức khỏe cho bé biết.
Điều này sẽ giúp bé hứng thú hơn với các món ăn trong bữa cơm gia đình.
Không sử dụng đồ ăn để thưởng, phạt hay “hối lộ” các bé
Sử dụng đồ ăn để thưởng, phạt hay “hối lộ” các bé là cách mà không ít bậc phụ huynh thường hay làm. Thoạt nhìn bạn sẽ nghĩ mọi thứ vô hại nhưng lâu dần sẽ hình thành cho con thói quen ăn uống không tốt.
Vì khi được thưởng hay bị phạt đồ ăn, trẻ sẽ không còn chú tâm nhận thức về món ăn có tốt cho sức khỏe hay không nữa mà trẻ chỉ nghĩ đến sở thích của mình là muốn ăn món gì.
Ví dụ, bạn nói con ngủ sớm sẽ được thưởng kẹo. Đó cũng là một động lực nhưng kẹo thì không tốt cho sức khỏe. Nếu bé cố gắng ngủ sớm thì bạn phải thực hiện lời hứa và cho con ăn thứ không tốt cho sức khỏe.
Không cắt giảm đồ ăn
Ngay từ đầu, bạn cần phải xác định khẩu phần ăn phù hợp dành cho bé ở từng độ tuổi, sao cho đảm bảo được sự phát triển của trẻ. Bạn không thể dựa vào cảm tính mà cho trẻ ăn quá nhiều rồi sau đó cắt giảm khẩu phần ăn lại.
Cũng không nên cắt giảm đồ ăn mà cần thay đổi thành phần thức ăn để cân đối giá trị dinh dưỡng phù hợp.
Cung cấp nhiều loại thực phẩm khác nhau
Đừng bó buộc con và chính bản thân bạn vào những quan niệm sai lệch về dinh dưỡng. Trẻ còn nhỏ cần đầy đủ dinh dưỡng của nhiều loại thực phẩm khác nhau. Bạn không thể chỉ thiên về một loại thực phẩm, một loại chất dinh dưỡng nhất định. Bởi vì làm vậy, chính bạn sẽ khiến con trẻ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng hoặc phát triển không toàn diện.
Đừng nuông chiều sở thích ăn uống của con mà hãy định hướng cho chúng thói quen ăn uống lành mạnh.