Giúp con cai nghiện game và phương pháp ít ai ngờ của bà mẹ Sài Gòn
08/01/2021
Game online là một thứ gì đó có sức thu hút cực kỳ lớn không những đối với trẻ em mà còn cả người lớn. Chính vì thế, một khi đã rơi vào tình trạng “nghiện game” thì rất khó để dứt và thoát ra được.
Rất nhiều ông bố bà mẹ đã đau đầu không tìm ra cách khắc phục tình trạng nghiện game của con; thậm chí có người còn phải dùng đến biện pháp mạnh đó là nhờ trung tâm cai nghiện can thiệp. Gần đây, trên một diễn đàn dành cho cha mẹ, chị Hải Yến – phụ huynh của bé Gia Huy tại quận Phú Nhuận đã chia sẻ lại quá trình chị cùng ông xã giúp con cai nghiện game online, và kết quả là đã thành công.
“Cày thuê” là một thuật ngữ quen thuộc trong làng game online, dùng để chỉ việc nâng nhân vật trong game lên cấp cao hơn trong thời gian ngắn. Những ai chơi game có lẽ đều rõ ràng một điều rằng để nhân vật của mình lên cấp thì tốn khá nhiều công sức, thời gian ngồi lì trước máy tính và cả tiền bạc. Vậy mà “cày thuê” lại là công việc mà bé Gia Huy – con trai chị Yến, đảm nhiệm từ khi học lớp 6.
Tình trạng đáng lo ngại
Học nội trú tại một trường quốc tế, cuối tuần mới về nhà nhưng thay vì dành thời gian đó để trò chuyện, đi chơi cùng gia đình thì Gia Huy lại lựa chọn “ôm chặt” máy tính để chơi game và “cày thuê” do đã được bạn bè trả tiền. Đến bữa cơm, khi cả nhà quây quần bên bàn ăn thì Huy lại bới một tô cơm to rồi quay lại với màn hình game đang chơi dở. Nếu ba hay mẹ quát mắng thì cậu sẽ tức giận và vùng vằng bỏ ra quán net ngồi, khi nào thấy đói mới quay về.
Hơn một năm rưỡi tìm và áp dụng đủ mọi cách từ nhẹ đến nặng, từ quát mắng đến đòn roi mà vẫn không thấy sự thay đổi tích cực của cậu con trai, không khí gia đình thì luôn trong trạng thái căng thẳng; chị Yến nghiệm ra được rằng “phải thay đổi, không thể cứ mãi như thế này được!”
Bắt đầu từ đó, chị Yến triển khai công cuộc tìm tòi giải pháp; từ việc đọc sách, xem Internet, tìm hiểu những gia đình có trẻ nghiện game khác,… Đồng thời chị cũng bắt đầu biết đến tác hại nghiêm trọng mà “nghiện game” gây ra cho những đứa trẻ khác; nào là sa sút học hành, thậm chí bỏ học trốn đi chơi, có đứa còn rối loạn tâm thần! Những hình ảnh đó liên tục ám ảnh khiến chị Yến hoảng loạn tột độ. Trong lúc hoảng loạn, chị tìm được cuốn sách nói về giáo dục, nuôi dạy con trên mạng Internet và chị thấm một điều rằng “Chính bố mẹ cũng cần phải thay đổi!”
Thay đổi môi trường sống
“Vợ chồng tôi thống nhất với nhau sẽ không được cấm đoán mà phải có cách để con nhận thức được mức độ nguy hiểm của nghiện game” – chị Yến cho biết. Nói là làm, vợ chồng chị tiến hành triển khai các phương pháp giúp con liền ngay sau đó. Đầu tiên là sự thay đổi về môi trường sống. Việc chuyển trường, chuyển nhà được anh chị dứt khoát thực hiện một cách nhanh chóng. Ở trường mới, Huy không còn học nội trú nữa nên ngoài giờ học, cậu có thời gian ở bên gia đình nhiều hơn. Xung quanh nhà mới cũng không có các tiệm net, và hiện tại Huy cũng ở cách xa nhóm bạn thường hay rủ rê chơi game.
“Bố mẹ chỉ vì tương lai của con. Những gì không có lợi con không nên đụng tới” – ông xã chị Yến giải thích với con trai. Mặc dù vậy, việc chuyển nhà và chuyển trường cùng lúc trong thời gian ngắn vẫn khiến Huy rất sốc. Những ngày đầu chưa thích ứng, cậu bé thường hay bồn chồn, ngồi trầm tư và khóc nhưng bố mẹ không an ủi. “Chúng tôi muốn con có thời gian trải nghiệm đúng cảm xúc của bản thân”, chị Yến nói. Ngôi trường mới cũng chỉ cách nhà tầm 600m, vì thế hằng ngày Huy phải tự đi bộ đến trường cũng như đi bộ về. Nhưng cũng chính vì như vậy, Huy có thể quan sát thế giới xung qanh và tìm lại những cảm giác mà từ lâu đã bỏ lỡ do chìm đắm vào thế giới trong game.
Không quát mắng, không đòn roi, phương pháp ôn hòa được áp dụng
Những ngày đầu của quá trình cai nghiện game cho con, chị Yến thường xuyên mời bạn bè, người thân đến nhà chơi, ăn uống. Trong lúc Huy đang chăm chú vào trò chơi, mọi người liên tục nhờ vả lấy giùm món đồ này, món đồ kia khiến việc chơi game bị ngắt quãng. Ban đầu, cậu bé tỏ ra cáu kỉnh, khó chịu và thậm chí phản ứng gay gắt khi bị làm phiền. Tuy nhiên, sau mỗi lần hoàn thành công việc, Huy nhận được những lời khen tích cực thì phía mọi người xung quanh, cảm xúc nóng giận của cậu cũng được xoa dịu.
Không chỉ “phá” cuộc chơi của con, vợ chồng chị Yến còn tìm những cách bí mật ngắt mạng wifi của nhà để con không chơi game được nữa. Mỗi lần như thế, Huy lùng sục tìm kiếm đủ mọi ngóc ngách trong nhà để sửa chữa. Khi không có cách nào khắc phục, cậu bé tức giận gào thét, quăng sách quăng vở rồi ngồi bất động trên ghế hàng giờ liền.
Việc “phá” cuộc chơi của con còn được thăng cấp lên một mức độ “gây bực mình hơn” đó là vô hiệu hóa các thiết bị điện tử như máy tính, ipad. Chúng thường xuyên rơi vào tình trạng hết pin, không có dây sạc; hoặc nếu đầy pin thì mật khẩu đã bị đổi. Tuy nhiên, các thiết bị đó vẫn nằm ở những vị trí quen thuộc thường thấy, dụng ý của vợ chồng chị Yến đó chính là để con trai quen dần với việc không đụng đến các thiết bị đó ngay cả khi chúng ở trong tầm mắt.
Nhiều tuần sau đó, Huy cứ đi học về là lại lục tung nhà để kiếm dây sạc, sau đó lại hậm hực ngồi dò tìm mật khẩu, xong rồi thái độ cáu gắt với tất cả mọi người. Nếu như trước đây gặp tình trạng như vậy, chị Yến sẽ phát điên và nổi nóng với con thì giờ chị học được cách kiềm chế cảm xúc. Chị lấy ly nước lạnh rồi đi vòng vòng trong nhà hoặc ngồi im một chỗ bình tĩnh hít thở cho cơn giận qua đi. Khi cả mẹ và con cùng nguôi giận, chị sẽ ôm Huy vào lòng và tâm sự với con những câu chuyện xoay quanh cuộc sống, từ những khó khăn khi mới sinh Huy, rồi quá trình nuôi con lớn và những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng mà bố mẹ mong mỏi ở con.
Để dạy con sự hiếu thuận, mỗi lần về thăm ông bà, chị Yến đều dẫn con theo để con quan sát những việc làm, hành động, thái độ của bố mẹ đối với ông bà. Chị còn kiên nhẫn giảng giải cũng như ôn nhu khuyên con nên và không nên làm gì. Mỗi buổi trưa đi học về, chị Yến thường nhờ con những việc vặt, kêu con phụ mẹ nấu cơm rửa bát,… Sau mỗi lần như vậy là những lời khen chân tình từ phía mẹ làm Huy cảm thấy mình cũng là một người có ích trong gia đình. Thời điểm nhạy cảm này, câu mà bố mẹ hay nói với Huy nhất là “Bố mẹ tin con, con sẽ làm được!” Chồng chị Yến suốt thời gian này cũng đưa con trai đi chơi, nói chuyện nhiều hơn. Anh còn thường trổ tài làm những món Huy thích để mong con có thể thoải mái và gắn kết với gia đình nhiều hơn.
Công sức được đền đáp, trái ngọt được gặt hái
Sang tuần kế tiếp, Huy không còn cáu kỉnh và đi tìm dây sạc ipad, máy tính nữa. Cậu bé chủ động giúp mẹ những công việc trong gia đình như nấu cơm, quét dọn, lau chùi bàn ghế,… Thấy con dần có sự thay đổi, chồng chị Yến chủ động nói với con về vấn đề mua điện thoại di động. Hai bố con cùng bàn với nhau sẽ mua nhãn hiệu điện thoại nào và sử dụng vào mục đích gì. “Ngày bố mang về chiếc điện thoại, cháu cảm thấy vui vì được bố mẹ tin tưởng, tôn trọng” – bé Gia Huy chia sẻ.
Thấy ở con có sự thay đổi tích cực, mạng wifi của gia đình được đưa trở lại trạng thái bình thường, dây sạc đặt lại vị trí cũ và máy tính cũng không còn cài đặt mật khẩu nữa. Cậu bé Gia Huy 14 tuổi được sử dụng lại máy tính nhưng lần này lại không hề đụng đến game nữa. Thời gian rảnh cậu cùng em trai chơi cờ, nuôi cá, thổi sáo, học đàn,… Hè vừa rồi hai anh em về nhà ông bà ngoại ở dài ngày, Huy cũng không sờ vào một thiết bị điện tử nào mà dành thời gian trò chuyện cùng người thân, tập thể dục hay chơi với em trai.
“Quát mắng hay cấm đoán thì dễ nhưng để nói chuyện được với con bằng cả tình yêu và sự chân thành thì không phải ai cũng làm được” – chị Yến chia sẻ. Theo chị, con cái cần sự tôn trọng và tin tưởng, không áp đặt theo ý muốn của cha mẹ. “Đó là cả một nghệ thuật làm cha mẹ mà rất lâu tôi mới nghiệm được ra!”
Ông Nguyễn Xuân Thời sáng lập Worldkids vào năm 2010 với tầm nhìn trở thành Hệ thống Trường Mầm Non chất lượng quốc tế dẫn đầu tại Việt Nam và khu vực. Với sứ mệnh mang đến dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tốt nhất với chi phí hợp lý, nhằm tạo cơ hội cho tất cả các em bé trong mọi tầng lớp gia đình có thể được thừa hưởng môi trường học tập quốc tế.