Con bạn có thực sự cần kỷ luật thép?
Worldkids – Con bạn có thực sự cần kỷ luật thép?Làm cách nào để đối xử với bé khi bé hay mè nheo và quá bướng bỉnh? Kỷ luật thép có thực sự thích hợp hay không?
Hẳn nhiều bậc cha mẹ đều tự đặt các câu hỏi khó trả lời kiểu như: “Sao con mình bướng bỉnh thế? Tại sao con mình hay ăn vạ như vậy? Tại sao mình nói hoài nó không nghe lời? Tại sao mình cưng chiều không được, mình nạt nộ cũng không được…”.
Cũng có nhiều bậc cha mẹ vì không trả lời được thắc mắc của mình thì dẫn tới hoài nghi: “Sao con nhà chị A ngoan thế? Sao bé B ít tuổi hơn con mình mà lại biết nghe lời? Sao con Tây lại có thể tự lập được từ nhỏ như thế? Mình đã làm sai điều gì mà con mình bướng bỉnh như thế?”
Nhưng cha mẹ đã quên mất rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và riêng biệt, chúng cần được đối xử theo cách riêng biệt để trưởng thành và lớn lên. Và không có một phương pháp nào đúng cho tất cả mọi đứa trẻ.

Con bạn có thực sự cần kỷ luật thép?
Thứ mà một đứa trẻ cần nhiều nhất cũng chính là thứ mà cha mẹ có nhiều nhất, đó là tình yêu thương.
Bé muốn ăn kẹo bánh trước bữa ăn. Bạn không đồng ý, bé khóc. Bạn quát mắng, bé khóc. Bạn có nên thử nói với con rằng: “sắp đến bữa ăn rồi, nếu con ăn kẹo bánh thì sẽ không ăn được cơm, không ăn được cơm sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi, không đủ sức học nhiều điều hay điều tốt nữa. Mẹ nghĩ là con nên ăn tạm nửa chiếc bánh này khi chờ đến bữa cơm thôi nhé”. Bạn nghĩ bé có nghe lời không? Từ việc cắt nửa chiếc bánh, dần dần bạn sẽ cắt hẳn phần ăn bánh kẹo trước bữa ăn đi. Và bạn sẽ thấy bé cũng rất vui vẻ.
Bé nhất định không chịu đánh răng trước khi đi ngủ. Mặc cho bạn la hát, thậm chí cho ăn một cái roi vào mông bé cũng không làm. Vậy bạn sẽ tiếp tục la hét nữa chứ? Bạn nên đặt ra một trò chơi thi xem ai răng sạch hơn, trắng hơn sau 1 tháng với phần thưởng cho bé tự chọn. Hoặc bạn hãy kể cho bé nghe những câu chuyện về những đứa trẻ chăm đánh răng thì sẽ thế nào.

Con bướng bỉnh không cần kỷ luật thép!
Bất kỳ đứa trẻ nào đang bướng bỉnh mà được dỗ dành yêu thương cũng trở nên nghe lời. Kỷ luật thép chỉ dành cho một số trường hợp ngoài lệ cần phải rất nghiêm khắc.
Bạn hãy tạm quên đi sĩ diện bản thân chỉ vì con mình không làm đúng ý mình trước chốn đông người?
Hãy suy nghĩ sâu xa về căn nguyên hành động của bé chứ đừng vội vàng kết luận “Con hư”.
Hãy tìm ra một giải pháp hợp lý bằng cách hít thở sâu, lắng lại và nghĩ về tình yêu với con trẻ.
Hãy dùng lời lẽ nhẹ nhàng, có khuyến khích có đề nghị.
Nếu bạn phạt con hãy giải thích bằng thái độ điềm tĩnh về lý do bạn có hành động đó, để bé hiểu hành động của bé chưa đúng và bé đáng bị phạt. Đừng để trẻ ấm ức vì không hiểu tại sao mình bị phạt, bị la mắng.
Bạn thấy đó, rất nhiều đứa trẻ trở nên khó uốn nắn bởi không nhận đủ tình yêu từ cha mẹ. Có nhiều đứa trẻ trở nên bất cần bởi chúng nghĩ không ai cần đến mình. Có nhiều đứa trẻ ngỗ ngược vì bản thân nó không hiểu tại sao cần phải nghe lời người lớn. Tất cả đều xuất phát từ sự không rõ ràng từ cách hành xử của cha mẹ hoặc không có tình yêu thương của cha mẹ.
Nhưng tình yêu không đồng nghĩa với sự chiều chuộng vô lý. Hãy đặt ra những giới hạn cho chính bé và cho cha mẹ.
Yêu thương cần được thể hiện, cần được nói ra bằng những lời nói, những vỗ về ôm ấp. Hãy để tình yêu ngấm sâu vào tâm hồn một đứa trẻ để nó trở thành một người nhiều cảm xúc và suy nghĩ tích cực trong cuộc sống.
Lần cuối cùng bạn mắng bé, bạn cho bé một roi là khi nào?
Lần cuối cùng bạn nói lời âu yếm với bé là khi nào?
Bạn có thể không nhớ lần cuối cùng mắng bé nhưng đừng quên lần cuối cùng nói yêu thương bé. Tình yêu cần được thể hiện mỗi ngày, mỗi ngày. Và chúng ta không được phép quên.
Nguồn: worldkids.edu.vn