Gắn kết gia đình
Worldkids – Gắn kết gia đình : khó vì chúng ta chưa biết cách. Tôi thích câu nói rằng: “Cuộc đầu tư làm cha mẹ chính là cuộc đầu tư đáng kể nhất”. Kể từ lúc sắp sửa có một đứa con chào đời, chúng ta đã miệt mài đầu tư về trí tuệ, kỹ năng, tài chính để đảm bảo rằng mọi thứ chúng ta cho con là tốt nhất. Tất nhiên là sẽ có nhiều rủi ro và lợi nhuận thu về được bao nhiêu là điều không ai đảm bảo trước. Hạnh phúc, vui sướng, mệt mỏi, cáu gắt, ấm áp, yên bình, hỗn loạn,… là những cung bậc cảm xúc mà bất kể gia đình nào cũng có. Chính những điều đó tạo nên cuộc sống gia đình.
Chúng ta đừng kỳ vọng rằng ngày nào chúng ta cũng sẽ được hạnh phúc bởi cuộc sống là ngày mai, là ngày kia, là những ngày chúng ta không hề biết trước. Trong gia đình cũng vậy. Thay vì kỳ vọng vào một sự hạnh phúc viên mãn mọi lúc mọi nơi, chúng ta hãy mong nó an yên trước đã. Được an toàn, đủ ăn, sạch sẽ và mọi người trong nhà cùng cảm thấy hài lòng, đó chẳng phải đã thật tuyệt vời hay sao? Mỗi ngày sống cùng nhau vui vẻ đã, mọi điều tốt đẹp khác sẽ tới thôi.
Gắn kết các thành viên trong gia đình là điều chúng ta nên thực sự quan tâm. Bởi chỉ có sự gắn kết mới khiến chúng ta yêu thương nhau hơn, chăm sóc và giáo dục con cái tốt hơn. Mỗi một thành viên đều là một mắt xích quan trọng trong sự kết nối đó. Vậy chúng ta sẽ gắn kết bằng cách nào?
Đặt mình vào vị trí của con
Đôi khi chúng ta còn không hiểu được suy nghĩ của mình, muốn con cái hiểu được tâm tư của chúng ta lại càng là điều không thể. Hãy thường xuyên ngồi lại cùng bé để trò chuyện về những suy nghĩ, những mong muốn, những kế hoạch của bạn. Để bé hiểu bé là một phần trong thế giới của bạn, trong kế hoạch tương lai của gia đình. Nhờ đó, bạn cũng có thể hiểu bé nghĩ gì và thực sự muốn gì.
Chúng ta đã từng là những đứa trẻ, có sai lầm, có vấp vấp, cũng từng “bất mãn” vì cha mẹ không hiểu mình. Những đứa trẻ của chúng ra cũng sẽ trải qua những cảm giác như thế. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để tìm hiểu và chia sẻ cùng con. Để trẻ hiểu rằng, gia đình là nơi tuyệt vời nhất để xây dựng sự an toàn, niềm tin và tình yêu.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và không thể giống ai. Cha mẹ hãy tôn trọng sự khác biệt này để trẻ lớn lên tự tin vào bản thân, phát huy được những năng lực vốn có của mình.
Hiểu ngôn ngữ của con
Tất nhiên ngôn ngữ nói là phương thức chủ yêu chúng ta dùng để giao tiếp với con cái, bên cạnh đó còn nhiều loại ngôn ngữ khác như cảm xúc, thái độ, cử chỉ, điệu bộ,… Nắm bắt được những loại ngôn ngữ này ở con mình bạn sẽ dễ dàng hiểu chúng hơn.
Chúng ta đều mong muốn có thể làm “siêu nhân”, xâm nhập vào trí não bé để hiểu bé đang nghĩ gì. Đôi khi chúng ta thấy mình tuyệt vời hơn khi chỉ nhìn biểu cảm trên gương mặt trẻ để biết trẻ muốn gì. Mục đích của chúng ta là ĐÁP ỨNG chúng. Bạn hãy dừng lại đi. Nếu bạn còn tiếp tục thì những đứa trẻ của bạn sẽ tìm cách chạy xung quanh bạn, im lặng và chờ đợi cha mẹ của chúng đoán được điều chúng muốn. Và nếu bạn không thể đuổi hình bắt ý nghĩ được thì nó sẽ là một trò chơi đuổi bắt căng thẳng, mệt mỏi, kết quả cuối cùng sẽ luôn là BẠN THUA.
Hãy khuyến khích con trò chuyện thường xuyên. Bé cần nói ra điều mình nghĩ và điều mình muốn. Kỹ năng này rất quan trọng cho bé trong giao tiếp, để bé tự tin thể hiện bản thân mình.
Đọc sách cho con nghe mỗi ngày
Bạn có thể tìm ra lý do để không đi tiệc, trì hoãn một buổi tập thể dục, về nhà muộn hơn nhưng bạn hãy cố gắng tìm ra động lực để duy trì việc đọc sách mỗi ngày cho con. Hãy cố gắng mang theo một cuốn sách bên mình, đọc cho con nghe khi cùng ngồi chơi, cùng đi xe bus, cùng đi dạo, cùng ngồi bãi cỏ hoặc khi cùng chờ đợi một người nào đó. Luôn có thời gian để chúng ta có thể đọc một vài trang sách.
Trước khi bé đi ngủ, hãy đến bên bé trò chuyện và đọc sách cùng nhau. Thói quen này rất hữu ích để bé thư giãn đầu óc, đồng thời tăng thêm sự gắn kết gia đình.
Hãy nhờ rằng, đọc sách cùng trẻ chứ không phải là đọc cho trẻ nghe. Hãy khuyến khích bé tương tác cùng câu chuyện để bé ghi nhớ lâu hơn, sáng tạo hơn.
Thỉnh thoảng đưa con đi nhà sách để thăm thú khắp nơi. Cho bé thấy những người khác yêu sách thế nào. Đề nghị trẻ giữ gìn sách cẩn thận để sau khi sử dụng có thể trao tặng cho người khác cần hơn.
Hoạt động cùng con
Còn nhiều hoạt động để gắn kết tình cảm gia đình như cùng chăm sóc thú cưng, cùng làm vườn, cùng tổ chức các buổi tiệc, cùng nấu ăn, cùng đi du lịch, cùng học một môn thể thao,… Mỗi hoạt động là một trải nghiệm khác nhau để bạn và bé hiểu nhau hơn nữa.
Bạn thấy không, chúng ta không cần kỳ vọng vào những điều quá cao xa. Hãy nhìn thực tế một chút. Làm những việc đơn giản nhưng có ý nghĩa để mọi người cùng thể hiện tình yêu và sự quan tâm lẫn nhau. Mỗi ngày một chút, gia đình của chúng ta sẽ đầy ắp tiếng cười và sẵn lòng ở bên nhau dù khó khăn thế nào đi nữa.
Nguồn: worldkids.edu.vn