Dấu hiệu của bệnh ganh tị và biện pháp khắc phục cho bé
3/11/2020
Ghen tị là một tâm lý thông thường, nó thường xuất hiện khi trẻ trong giai đoạn biết nhận thức về sự hơn – thua, nhất là khi bước vào độ tuổi mầm non. Nhưng nếu loại cảm xúc này không được phát hiện sớm và tiết chế kịp thời nó sẽ khiến bé hình thành những suy nghĩ, thói quen và tính cách tiêu cực; điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bé.
Tính ghen tị gây ra nhiều tiêu cực đối với quá trình hình thành nhân cách của trẻ, nếu gia đình không can thiệp kịp thời trẻ sẽ có những ảnh hưởng xấu như:
- Trẻ có thể trở nên hung dữ
- Trẻ có thể mang tâm lý bạo lực và hay bắt nạt bạn bè
- Trẻ sống khép kín không thích tiếp xúc
- Trẻ có thể thiếu tự tin và không biết cách giao tiếp đúng mực với mọi người
Với những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ thì câu hỏi lớn nhất đặt ra trong đầu chúng ta là: “Làm thế nào để trẻ không gạnh tị với anh/chị/em, bạn bè và những người xung quanh?”
Cũng như vô vàn tính cách khác của con người, tính ghen tị cũng sẽ phát triển và bộc phát khi cần, tuy nhiên nó lại là đức tính xấu cần phải loại bỏ ngay cho dù chỉ thoáng qua trong suy nghĩ của trẻ. Chính vì những hậu quả khôn lường mà tâm lý ghen tị mang lại cho trẻ, từ bây giờ gia đình và nhà trường nên có phương pháp can thiệp kịp thời để trẻ có thể miễn nhiễm với căn bệnh “ganh tị”.
1. Lắng nghe con
Tâm lý ghen tị không phải là cảm xúc nhất thời mà đa số phải trải qua quá trình dồn nén lâu ngày thì mới nảy sinh ra tính so bì, ganh ghét ở trẻ. Do đó để hiểu hơn về những suy nghĩ, cảm xúc của trẻ gia đình nên dành thời gian trò chuyện, hỏi han và lắng nghe những tâm tư của trẻ. Từ đó chúng ta có thể hiểu được mối quan tâm, nỗi sợ hãi, lo lắng của trẻ và tìm ra cách xử ký kịp thời.
2. Biến những suy nghĩ tiêu cực thành tích cực
Tính ganh tị sẽ khiến trẻ có cái nhìn, suy nghĩ tiêu cực về những thành tích của người khác đạt được mà trẻ thì không. Chính vì vậy chúng ta nên tìm cách giúp trẻ biến những điều tiêu cực đó thành điều tích cực chẳng hạn như khuyến khích trẻ cố gắng học tập, chơi thể thao hay tham gia bất kỳ lớp học năng khiếu nào trẻ hứng thú. Điều bạn đang làm sẽ giúp trẻ tìm ra thế mạnh của riêng mình để từ đó tạo ra những thành tích và sẽ không còn tâm lý ganh tị với người khác.
3. Thể hiện sự yêu thương với trẻ
Trẻ con thường có thái độ, hành vi không tốt nhất là khi chúng ta ép trẻ làm theo ý mình hoặc ăn món mà trẻ không thích. Tuy nhiên đừng vì những bướng bỉnh con nít của trẻ mà vội la mắng hay trách phạt, thay vào đó ba mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu vì sao con phải làm như vậy và làm vậy có lợi ích gì thì trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Hãy nhớ rằng phương pháp dạy con tốt không phải là áp đặt cái ba mẹ muốn lên trẻ mà là sự uốn nắn, quan sát, quan tâm con từng chút một.
4. Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc chia sẻ
Một đứa trẻ không muốn chia sẻ với người khác có nghĩa là trong gia đình trẻ được nuông chiều và luôn được mọi người nhường bất cứ thứ gì bé thích, điều nay vô tình tạo ra tính ngang ngược, đòi hỏi và muốn có bằng được món đồ chơi khi thấy bạn bè có mà bé không có. Vì vậy để trẻ không tồn tại tính cách tiêu cực này, gia đình hãy giúp trẻ học cách chia sẽ với mọi người, từ đó trẻ ít thấy ghen tị với những đứa trẻ khác và dễ kết bạn hơn.
5. Đừng khen ngợi trẻ quá nhiều
Khi trẻ làm tốt chúng ta vẫn thường khuyến khích và động viên trẻ bằng những lời khen ngợi hoặc tặng bé những món quà nhỏ nhằm động viên giúp trẻ duy trì, phát triển thêm. Tuy nhiên nếu trẻ thường xuyên nghe những lời khen có cánh của ba mẹ đôi khi lại nảy sinh những tác động tiêu cực lên tâm lý như bị áp lực bởi việc duy trì thành tích và khi trẻ thấy một bạn khác giỏi hơn mình, trẻ sẽ nảy sinh lòng ganh tị; điều này ảnh hướng rất tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý.
6. Ngưng việc so sánh
Các bậc phụ huynh hay thường so sánh kết quả học tập của con với những đứa trẻ khác hay thậm chí là anh, chị, em trong nhà. Nếu trẻ không giỏi thì người lớn thường bắt ép trẻ học thêm nhiều lớp năng khiếu sau mỗi giờ học tại trường. Điều này đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn lên tâm lý ngây thơ của trẻ và rất dễ tạo cảm giác tâm lý thù địch lên trẻ. Nếu trẻ có thành tích học không tốt thì phụ huynh nên áp dụng phương pháp “Biến những suy nghĩ tiêu cực thành tích cực” nhằm giúp bé cải thiện khả năng tư duy của mình với tâm lý thoái.
Nhân cách của một đứa trẻ được cho là tấm gương phản chiếu của một nền giáo dục, nếu nhân cách trẻ không tốt điều này chứng tỏ phương pháp giáo dục chưa hiệu quả và ngược lại. Vì vậy, để có một thế hệ trẻ phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần ngay từ bây giờ chúng ta hãy thay đổi cách dạy con sao cho “chất lượng nhất”.
Thanh Tâm
Ông Nguyễn Xuân Thời sáng lập Worldkids vào năm 2010 với tầm nhìn trở thành Hệ thống Trường Mầm Non chất lượng quốc tế dẫn đầu tại Việt Nam và khu vực. Với sứ mệnh mang đến dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tốt nhất với chi phí hợp lý, nhằm tạo cơ hội cho tất cả các em bé trong mọi tầng lớp gia đình có thể được thừa hưởng môi trường học tập quốc tế.