Bệnh tay chân miệng ở trẻ và cách phòng tránh
02/11/2020
Thời điểm cuối hè và đầu năm học mới, do tình hình thời tiết có sự thay đổi dẫn đến nhiều dịch bệnh ở trẻ em bùng phát, trong đó có bệnh tay chân miệng ở trẻ. Tuy nhiên dấu hiệu ban đầu của căn bệnh này rất khó phân biệt và dễ khiến ba mẹ nhầm lẫn với các loại bệnh da liễu khác. Vậy nên chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ và có biện pháp chữa trị kịp thời.
1. Nhận biết trẻ em mắc bệnh tay chân miệng
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng thường thấy như:
– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy vào thể chất của bé. Cho nên việc sốt cao cũng không phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh đã nặng.
– Tổn thương da: những vết nổi mẩn đỏ, mụn nước ở những vị trí như cổ họng, quanh miệng, lòng bàn tay – bàn chân, mông và kẽ mông, đầu gối,…
– Ở một số bé còn có thể đau miệng, rát da, bỏ ăn, nôn ói, tiêu chảy, mệt mỏi và quấy khóc,…
Khi phát hiện bé nhà mình có những biểu hiện trên, ba mẹ không nên chủ quan mà hãy đưa bé đến các bệnh viện hay trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
Các dấu hiệu cho thấy bệnh đã chuyển biến nặng:
– Quấy khóc dai dẳng kéo dài: tình trạng quấy khóc ở bé diễn ra liên tục và kéo dài cả ngày, thậm chí là cả đêm không ngủ vì tỉnh giấc thường xuyên. Ba mẹ hay nghĩ là do bé đau nên khó ngủ và khóc, nhưng thật ra đây có thể là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
– Sốt cao liên tục không hạ: việc các bé sốt trên 38,5 độ C kéo dài trên 48 tiếng và không có phản ứng với thuốc hạ sốt là do quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, và cũng gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh.
– Giật mình: ba mẹ hãy để ý xem triệu chứng giật mình này có xuất hiện thường xuyên không cả khi trẻ đang chơi hay ngủ.
2. Cách chăm sóc trẻ khi bị tay chân miệng
Việc đầu tiên đó chính là đưa trẻ đến bác sĩ để nhận sự điều trị và cách hướng dẫn chăm sóc. Ngoài ra khi ở nhà ba mẹ cũng có thể thực hiện một số cách sau:
– Dùng thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng và các nốt mụn trên cơ thể (tuy nhiên liều lượng phải theo chỉ định của bác sĩ)
– Cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa,…
– Vệ sinh da kỹ và nhẹ nhàng để tránh tình trạng nhiễm vi khuẩn: tắm cho ter bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá trà, lá chân vịt,… Dùng dung dịch betadin bôi lên các vết mụn ngoài da sau khi tắm.
3. Nguyên tắc phòng tránh bệnh tay chân miệng
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
– Phía trên là biểu hiện cũng như cách phòng tránh của bệnh tay chân miệng – căn bệnh thường thấy ở các bé nhỏ. Ba mẹ hãy đọc để nắm thông tin và luôn sẵn sàng biện pháp để bảo vệ cho con mình nhé!
Thanh Tâm
Ông Nguyễn Xuân Thời sáng lập Worldkids vào năm 2010 với tầm nhìn trở thành Hệ thống Trường Mầm Non chất lượng quốc tế dẫn đầu tại Việt Nam và khu vực. Với sứ mệnh mang đến dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tốt nhất với chi phí hợp lý, nhằm tạo cơ hội cho tất cả các em bé trong mọi tầng lớp gia đình có thể được thừa hưởng môi trường học tập quốc tế.