8 nỗi sợ lớn của các con (Phần 1)
Theo ba mẹ, các con sợ nhất điều gì? Sợ ma, sợ chuột hay sợ gián? Có lẽ đó cũng là một vài sự sợ hãi trong lòng con. Tuy nhiên, 8 nỗi sợ lớn nhất của con lại chủ yếu xoay quanh gia đình và ba mẹ.
Nỗi sợ 1: Con sợ ba mẹ cãi nhau
Một cơ quan nghiên cứu tâm lý trẻ em đã tiến hành cuộc điều tra khảo sát tình hình tâm lý của 3000 em nhỏ ở độ tuổi nhi đồng, trong đó có một câu hỏi rằng: “Con sợ nhất điều gì ở ba mẹ?”, câu trả lời mà họ nhận được nhiều nhất đó chính là: “Con sợ ba mẹ tức giận và cãi nhau”.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nhiều ba mẹ luôn cho rằng con còn nhỏ, nên những lời nói, hành động giữa 2 vợ chồng sẽ không ảnh hưởng gì đến con. Tuy nhiên trên thực tế, con đều quan sát và ghi nhớ hết những lời nói và hành động của ba mẹ mình.
Có những gia đình, ở đó chỉ luôn tồn tại những trận cãi vã, những lời nói tục, chửi thề và thậm chí là còn động tay, động chân. Khi không khí gia đình thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, tâm lý các con cũng đồng thời phải chịu sự áp lực không hề nhỏ.
Một số nhà ba mẹ không hòa hợp, thời gian dài cũng chẳng thấy nói với nhau câu nào. Chính hoàn cảnh gia đình như thế sẽ khiến con bị ức chế, lâu dần sẽ gây tổn thương đến tinh thần, khiến các con trở nên lạnh nhạt, cô đơn, bướng bỉnh, cọc cằn,…
Nỗi sợ 2: Con sợ ba mẹ nổi giận
Trẻ con vừa ngây thơ, vừa nghịch ngợm; chính vì thế khi ba mẹ đã nhắc nhở nhiều lần rồi mà vẫn không được thì khả năng cao sẽ nổi giận với con. Có thể trong lúc hoảng sợ, bé không làm những việc khiến ba mẹ bực nữa. Nhưng thực ra thì bé chỉ dừng lại vì sợ hãi chứ không phải vì nhận ra việc làm của mình là sai.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Con mặc dù nhỏ nhưng lại rất nhạy cảm với cảm xúc của những người xung quanh, đặc biệt là ba mẹ mình. Vậy nên sự tức giận của ba mẹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hành vi và cảm xúc của con.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu có thể thì tốt nhất là ba mẹ không nên nổi cáu với con; trong trường hợp khó giữ bình tĩnh thì sau đó cũng cần phải giải thích với bé vấn đề cốt lõi rốt cuộc nằm ở đâu. Qua đó cho con cảm thấy được sự quan tâm và yêu thương của ba mẹ. Hãy thử cảnh báo trước cho con về sự tức giận của ba mẹ như: “Hôm nay tâm trạng của ba/mẹ không tốt đâu, con đừng…”.
Nỗi sợ 3: Con sợ ba mẹ thiên vị, đối xử không công bằng giữa các con
Cùng là con cháu trong gia đình nhưng đứa thì được cưng chiều hết mực, đứa thì lại phải chịu sự ấm ức,… Đặc biệt khi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại ở nhiều nhà, hay sự thiên vị đối với con út đều khiến những đứa trẻ còn lại cảm thấy tủi thân và ám ảnh khi lớn lên.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Một nghiên cứu cho thấy rằng sự thiên vị của ba mẹ gây ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe và tâm lý của trẻ. Từ đó dẫn đến các vấn đề không tốt về hành vi sau khi khi lớn lên. Hơn thế nữa, dù con được cưng chiều hay bị lạnh nhạt thì đều sẽ chịu tổn thương. Những đứa trẻ bị lạnh nhạt sẽ oán giận ba mẹ và anh em mình. Còn các bé được cưng chiều thì lại phải chịu sự ganh ghét từ người khác.
Nỗi sợ 4: Con sợ ba mẹ nói dối
Lời nói dối của ba mẹ phần lớn xuất phát từ việc học hành của con. Ví dụ như “Làm bài tập xong con sẽ được xem TV”. Nhưng khi con hoàn thành thì lại cho con thêm nhiệm vụ này, nhiệm vụ khác. Lúc đó con sẽ cảm thấy cực kỳ hụt hẫng vì tại sao ba mẹ đã hứa như vậy rồi nhưng lại không làm. Và trẻ em rất sợ cũng như rất ghét việc ba mẹ nói mà không giữ lời, lời nói không có độ tin cậy cao.
“Một lần bất tín – Vạn lần bất tin”. Khi ba mẹ hứa nhưng không thực hiện, đồng nghĩa với việc đánh mất uy tín của mình trong mắt các con. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng xấu và hình thành quan niệm mới về việc giữ lời ở con. Khi đó con sẽ cảm thấy mình không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì về lời nói ra, hứa với người khác cũng có thể không làm.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Từ đó, những thói quen xấu như “hời hợt”, “nói dối”, “thất hứa”,… sẽ dần dần hình thành trong suy nghĩ và tính cách của con. Thói quen này khi trưởng thành không chỉ khiến bản thân các con mất đi bạn bè, mà còn để vuột mất những cơ hội xung quanh.
Một người có trách nhiệm và đáng tin cậy sẽ không dễ dàng hứa hẹn điều gì đó khi chưa chắc chắn bản thân có thể thực hiện được. Vậy nên ba mẹ đừng vì mục đích trước mắt mà tùy tiện hứa với con. Khi nhận được những đề xuất hay yêu cầu từ con, trước hết hãy suy nghĩ kỹ xem nó có hợp lý và khả quan hay không. Ba mẹ không nhất thiết phải đưa ra câu trả lời liền ngay lập tức. Nhưng nếu ba mẹ có nói gì, thì đều phải nghiêm túc thực hiện!
Ông Nguyễn Xuân Thời sáng lập Worldkids vào năm 2010 với tầm nhìn trở thành Hệ thống Trường Mầm Non chất lượng quốc tế dẫn đầu tại Việt Nam và khu vực. Với sứ mệnh mang đến dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tốt nhất với chi phí hợp lý, nhằm tạo cơ hội cho tất cả các em bé trong mọi tầng lớp gia đình có thể được thừa hưởng môi trường học tập quốc tế.