6 yếu tố khiến con học kém
6 yếu tố khiến con học kém – Các bậc phụ huynh chắc hẳn ai cũng luôn mong con mình lớn lên thật ngoan, học tập thật tốt. Chính vì vậy từ khi con cái còn nhỏ, ba mẹ đã đặt ra kỳ vọng to lớn dành cho con và luôn có những hành động, những biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ trong học hành. Nếu con học tốt thì không nói, thế nhưng trong trường hợp mọi chuyện không được như kỳ vọng, ba mẹ khoan trách móc mà hãy đi tìm hiểu nguyên nhân thực sự phía sau.
Trong những bữa cơm gia đình hoặc những lần tụ họp bạn bè, nhiều ba mẹ thường hay than phiền rằng con mình có quá nhiều thói xấu khiến họ đau đầu suy nghĩ. Tuy nhiên, trong quá trình một đứa trẻ phát triển, việc có những tật xấu là điều mặc dù không ai muốn nhưng lại khó mà tránh khỏi. Và nếu không được sửa sớm, trẻ có nguy cơ học kém và không lanh lợi, thông minh.
Julie Lythcott Haims là một trợ lý của Hiệu trưởng đại học Stanford, Mỹ và bà đồng thời là nhà giáo dục nổi tiếng. Bài thuyết trình của bà về “cách nuôi dạy con cái không có hình thức kỷ luật quá mức” đã được đại học Harvard sử dụng làm tiền đề nghiên cứu “Sự phát triển IQ của trẻ và những trải nghiệm khi chúng lớn lên” trong suốt 75 năm. Cuối cùng kết quả chỉ ra rằng chỉ số IQ của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố gia đình.
Ở những đứa trẻ học kém, IQ thấp thường có chung 6 vấn đề sau:
1. Ăn sáng qua loa
Nhiều ba mẹ vì bận rộn với công việc bên ngoài nên đã lựa chọn cho con ăn sáng qua loa thay vì thức sớm để chuẩn bị. Việc để con ăn sáng như vậy thứ nhất là không đảm bảo về mặt dinh dưỡng, thứ hai là gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con. Một bữa sáng qua loa, hời hợt sẽ dẫn đến tình trạng tinh thần không tốt, cả ngày không thể tập trung, và những điều này đều có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của não bộ.
2. Giờ học – giờ nghỉ thất thường, thức khuya – dậy trễ
Lượng bài tập trên lớp giao cho các bé ngày một tăng, bên cạnh đó nhiều ba mẹ còn cho con đến những lớp học thêm, học nâng cao; điều này khiến cho các con phải thức khuya để cố gắng làm xong bài. Lại có một số khác sau khi học bài thì không đi nghỉ ngơi mà nán lại để chơi game điện thoại, máy tính. Việc học tập và nghỉ ngơi không hợp lí, lành mạnh như vậy trong thời gian dài sẽ làm giảm đi năng lượng sống của các con, trí nhớ cũng sẽ giảm sút và mất đi hứng thú trong việc học tập.
3. Không có không khí học tập tại nhà
Không phải tự nhiên mà các phòng tự học hay thư viện được mở ra. Ở những nơi yên tĩnh như vậy, khả năng tập trung và tư duy của bé được đẩy lên cao độ. Còn ở tại nhà, không phải gia đình nào cũng có điều kiện xây tường cách âm, hay nhiều khi còn vì sự ồn ào từ phía hàng xóm xung quanh.
4. Cảm xúc bị kìm nén
“Còn khóc hả? Có nín ngay đi không?” – câu nói này quen thuộc nhỉ! Gần như tất cả ba mẹ đều yêu cầu con im lặng, yêu cầu con nín ngay khi con đang khóc, không cho phép con tức giận hay tỏ thái độ. Nhưng ba mẹ hình như quên một điều rằng bộc lộ cảm xúc ra ngoài cũng là một dạng để giải tỏa. Ba mẹ thường thấy sự tức giận, sự buồn bã của con là dư thừa; thế nhưng ba mẹ lại quên rằng trước khi trở thành người lớn, bản thân mỗi người đều là một đứa trẻ. Người lớn có thể thấy những cảm xúc của con là nhỏ nhặt, nhưng đối với các con đó lại là những điều to tát và ảnh hưởng lớn đến tinh thần. Việc ba mẹ ép buộc hay cưỡng chế cảm xúc của con sẽ đẩy con rơi vào trạng thái thu mình, lầm lì, ít nói và dễ dẫn đến trầm cảm.
5. Ba mẹ thường lớn tiếng chỉ trích
Khi con cái phạm lỗi, phản ứng thường thấy nhất của đa số các bậc phụ huynh đó là la mắng và thậm chí còn chỉ trích nặng lời. Lúc tức giận hay khó chịu, khả năng phán đoán và nhận định vấn đề gần như bằng 0, do đó ba mẹ không còn kiên nhẫn để nghe con giải thích hay nói rõ sự việc. Nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên bị ba mẹ la mắng sẽ có suy nghĩ chậm hơn, trí nhớ cũng giảm sút.
6. Ba mẹ hay nói lời tiêu cực
Nhiều ba mẹ có thói quen đánh giá thấp sự cố gắng của con, và thường hay so sánh con với người khác cũng như nói với con bằng những lời lẽ nặng nề, tiêu cực. Và ba mẹ nhiều người còn hay tìm lỗi trong những việc làm của con, để rồi nói ra những lời gây tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ. Tâm lý lệch lạc, chỉ số IQ và EQ thấp là một số hậu quả của việc lòng tự trọng có “vết thương”.
Từ trước đến nay hình như chưa một ai dám khẳng định rằng “nuôi dạy con cái rất đơn giản!”. Ba mẹ cần có sự kiên nhẫn, sự bao dung, sự thấu hiểu gấp nhiều lần so với bình thường. Nếu con cái của bạn đang có những biểu hiện trên, và gia đình của bạn cũng đang tồn tại những mâu thuẫn như vậy, đừng xem thường mà hãy bắt tay vô giải quyết vấn đề này liền đi, ba mẹ nhé!
Ông Nguyễn Xuân Thời sáng lập Worldkids vào năm 2010 với tầm nhìn trở thành Hệ thống Trường Mầm Non chất lượng quốc tế dẫn đầu tại Việt Nam và khu vực. Với sứ mệnh mang đến dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tốt nhất với chi phí hợp lý, nhằm tạo cơ hội cho tất cả các em bé trong mọi tầng lớp gia đình có thể được thừa hưởng môi trường học tập quốc tế.