Kích thích sự sáng tạo của trẻ mầm non
Worldkids – Kích thích sự sáng tạo của trẻ mầm non là một điều rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trong thế giới ngày càng hiện đại, sự sáng tạo được đánh giá rất cao. Rất nhiều bậc cha mẹ luôn mong muốn khơi dậy tính sáng tạo của con mình. Trong giai đoạn vàng từ 0 đến 6 tuổi là độ tuổi mầm non, mỗi bé đều là những bí ẩn cần được khơi gợi, khám phá mọi năng lực sẵn có để có thể phát triển bộ não tối đa. Có rất nhiều cách đơn giản để khơi gợi sự sáng tạo của bé, chúng ta cùng tìm hiểu xem nhé.
1. Tạo cho trẻ mầm non sự tự do
Chúng ta đều biết rằng sự sáng tạo gắn liền với sự tự do. Những thiên tài sáng tạo, phần lớn cũng được sinh ra từ những đất nước tự do và khai phóng về tinh thần. Vì thế, cha mẹ hãy cho bé một sự tự do tối đa nhất có thể, để bé mặc sức sáng tạo.
Có những trải nghiệm sẽ mất công ba theo sát từng phút, mất công mẹ giặt giũ lau dọn liên tục. Nhưng đổi lại những đứa trẻ được vẽ lên tường ở khắp nơi, lôi những vật dụng trong nhà ra xếp thành thứ chúng muốn, hoặc khoác lên người đủ loại quần áo khác nhau để trở thành nhân vật chúng yêu mến,… Cha mẹ hãy để cho con thoải mái làm tất cả những điều đó. Vừa có thể khơi gợi sự sáng tạo của con vừa cho con được một tuổi thơ nhiều tiếng cười trong trẻo.
Trong khi chơi đùa các bé có thể nảy sinh những ý tưởng mới, sự sáng tạo trong tư duy, có thể tạo nên những trò chơi, những câu chuyện… Sự sáng tạo không chỉ dừng lại những công việc thủ công mà còn là cách tư duy trong suy nghĩ, cách nhìn nhận thế giới…
Khuyến khích trẻ tự đưa ra cách giải quyết vấn đề của mình. Có thể bắt đầu từ việc con tự chọn quần áo mặc mỗi ngày, chọn món đồ chơi bé thích, được ăn những món bé yêu cầu,… Kỹ năng ra quyết định chính là kỹ năng quan trọng trong sự phát triển trí tuệ sớm. Có được kỹ năng này bé sự tự tin hơn khi giao tiếp và thể hiện ý tưởng của mình.
2. Rèn luyện khả năng sáng tạo thông qua tư duy hình tượng
Tư duy hình tượng, tư duy không gian của bé phát triển trong các hoạt động như kể chuyện, vẽ, làm thủ công, hát múa, nghe nhạc,…
Cha mẹ hướng dẫn con nhận biết các sự vật, hiện tượng. Đặt ra nhiều câu hỏi để bé tìm mối liên quan, liên hệ giữa các sự vật khác nhau để bé ghi nhớ. Khi đã ghi nhớ được thì bé có thể tưởng tượng để vẽ lại hoặc miêu tả lại bằng ngôn ngữ của mình.
Kể cho bé nghe thật nhiều những câu chuyện bổ ích hàng ngày. Đặt ra nhiều tình huống giả tưởng để kích thích sự nhận biết và sáng tạo của bé. Ngoài ra, có thể cùng bé tưởng tượng ra một câu chuyện mới, để bé đóng góp những ý tưởng của mình vào trong đó. Thậm chí, hãy cùng bé sáng tạo ra một bài thơ với cách bắt vần đơn giản nhất. Dù bận rộn đến mức nào, cha mẹ hãy sắp xếp thời gian để nói chuyện với bé nhiều hơn.
Cuối tuần, cả nhà hãy cùng nhau chơi trò chơi như tái chế thủ công, nặn đất, cắt dán giấy trang trí, các mảnh ghép thành bức tranh,… Sự tiến bộ từ các nét vẽ của bé sẽ cho thấy sự tưởng tượng về không gian của bé thế nào.
3. Tạo cơ hội cho bé tham gia các trò chơi giả tưởng
Nhiều bậc cha mẹ hoảng hốt khi bé trai nhà mình muốn thử mặc váy công chúa, đội vương miện hoặc bé gái muốn mặc quần áo siêu nhân người nhện. Tại sao lại hoảng hốt? Có phải cha mẹ nghi ngại sẽ ảnh hưởng đến vấn để giới tính không?
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng người cha có vai trò quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, giữ được “khuôn giới tính” cho trẻ đến khi trưởng thành. Hãy trò chuyện cởi mở cùng con để con hiểu được vấn đề. Tuyệt đối không dùng cách áp đặt, bắt trẻ không được thế này, không được thế kia. Vì càng bị cấm đoán trẻ càng có xu hướng thôi thúc thực hiện điều bị cấm.
Hãy coi đó là những trò chơi giả tưởng. Bé có thể hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau để kể lại câu chuyện hoặc chơi trò phưu lưu mà bé nghĩ ra.
Nếu thấy bé đang loay hoay một mình lái phi cơ bay vào vũ trụ hoặc lên thăm sao Hỏa thì cha mẹ hãy tham gia cùng con. Giải thích cho con hiểu về vũ trụ, mặt trăng, mặt trời và sự sống trên trái đất. Sự tưởng tượng của con càng phong phú bao nhiêu thì tính sáng tạo sẽ được kích thích bấy nhiêu.
4. Khuyến khích bé đặt câu hỏi
Đôi khi bạn cảm thấy bé thật phiền phức vì có quá nhiều câu hỏi. Nhiều bậc cha mẹ luôn tự hỏi là tại sao bé có nhiều thắc mắc trong đầu như thế. Nếu bạn đã từng cảm thấy thế, thì chúc mừng bạn đã có một đứa trẻ tuyệt vời. Bé luôn muốn tìm tòi, thỏa mãn kiến thức và học hỏi liên tục. Bé đặt câu hỏi chính là bé đang tư duy. Đó là cơ sở của sự sáng tạo.
Đừng gạt các câu hỏi của bé sang một bên hoặc trả lời qua loa cho xong. Cha mẹ hãy nghiêm túc tìm hiểu vấn đề để thỏa mãn kiến thức cho bé. Việc này có thể làm thường xuyên trong khi trò chuyện hoặc chơi trò chơi. Khi được cha mẹ hưởng ứng những câu hỏi của mình, bé sẽ càng mong muốn được học hỏi nhiều hơn.
Khi trò chuyện cùng bé hãy gợi ý nhiều cách giải quyết khác nhau để bé có thể tìm cách giải quyết vấn đề. Ví dụ như “Con nghĩ thế nào nếu cô bé quàng khăn đỏ nghe lời mẹ dặn”. “Con nghĩ thế nào nếu hôm nay chúng ta đi đường khác tới trường”.,… Với mọi cái mới, bé đều hào hứng.
5. Luôn giữ tinh thần vui vẻ cho bé
Trước tiên hãy kiên nhẫn với bé. Cha mẹ đừng quá kỳ vọng vào những kết quả chuyển biến nhanh nhất. Hãy cho trẻ thấy rằng học hỏi là một niềm vui và nên tư duy trong mọi hoạt động hàng ngày.
Đừng kiệm những lời khen dành cho bé. Các bé đều cần sự động viên, khuyến khích của cha mẹ để có động lực học tập và tìm tòi, khám phá. Khi chỉ ra những lỗi sai của con hãy dùng thái độ hòa nhã, phân tích cho bé hiểu thế nào là đúng, thế nào là sai.
Hãy cười thật nhiều. Tạo ra nhiều tiếng cười trong gia đình, bên bàn ăn, trong các hoạt động cùng nhau, trên đường đưa bé đến trường, trước giờ đi ngủ. Những tiếng cười sẽ làm bé thư giãn, thần kinh thoải mái để tiếp nhận kiến thức tốt hơn. Từ đó có thể khơi ngợi tiềm năng, sự sáng tạo trong con người của bé.
Có rất nhiều ý tưởng để nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo nơi trẻ. Nhưng trên hết vẫn là cho trẻ được sống trong tình yêu thương tràn ngập, để trẻ cảm nhận được tình yêu của cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè và những người xung quanh. Tình yêu sẽ giúp trẻ bay cao bay xa hơn với khả năng và sự sáng tạo của mình.
Tố An
Nguồn: worldkids.edu.vn