9 bí quyết để cha mẹ thật tuyệt vời trong mắt bé
Worldkids – 9 bí quyết để cha mẹ thật tuyệt vời trong mắt bé, hãy cùng tìm hiểu nào. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng muốn trở thành người cha, người mẹ tuyệt vời. Nhưng tuyệt vời trong mắt ai lại là điều chúng ta ngập ngừng khi trả lời. Chúng ta thường nhìn vào ánh mắt của mọi người xung quanh để điều chỉnh hành vi của mình. Chúng ta thể hiện rằng chúng ta là cha mẹ tốt trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm,… nhưng liệu rằng những đứa trẻ của chúng ta có nghĩ như vậy không?
Con cái chúng ta nghĩ như thế nào mới là điều quan trọng nhất. Vì vậy hãy biết đặt những ưu tiên trong cuộc sống để có thể cùng con lớn lên, trưởng thành. Những bí quyết sau đây phần nào sẽ tháo gỡ những thắc mắc của các bậc cha mẹ.
1. Đừng làm bé sợ hãi, hãy làm bé tôn trọng
Bạn đừng nghĩ “thương cho roi cho vọt”. Roi vọt chỉ làm bị sợ hãi. Quát mắng chỉ làm bé bị ức chế tinh thần. Có những lúc bạn không thể kìm chế bản thân mà phải dùng đến những biến pháp mạnh là điều thường xảy ra. Trước khi bạn kiểm soát hành vi hãy điều chỉnh suy nghĩ, quan niệm trước.
Đừng thiết lập chế độ “vua-tôi” trong gia đình mình. Cha mẹ không phải là “vua” và con cái không phải là “tôi”. Bạn không thể áp chế rằng mọi thứ cha mẹ nói đều là mệnh lệnh không phải bàn cãi, dù đúng hay sai. Con cái không phải cứ rắp rắp nghe lời cha mẹ mới là những đứa trẻ ngoan.
Khi làm bất cứ việc gì hãy hỏi ý kiến bé. Cha mẹ cần có thái độ dứt khoát và kiên quyết đối với việc vi phạm những nguyên tắc. Bé được tôn trọng thì bé sẽ tôn trọng cha mẹ.
Sợ hãi không bao giờ là điều cần thiết để bé lớn lên.
2. Đối xử với bé như một người bạn
Bạn có tự hỏi tại sao ở các nước phương Tây con cái luôn chia sẻ mọi điều với cha mẹ mình một cách rất tự nhiên không? Bởi họ cho con mình không gian riêng trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Họ tôn trọng suy nghĩ riêng và liên tục tương tác cởi mở.
Bé cần được đối xử như một người bạn hoặc như một người trưởng thành tí hon. Đừng nghĩ rằng bé không thể làm được việc gì. Hãy cho bé cơ hội thể hiện bản thân và nói lên suy nghĩ của mình.
Khi phạt bé hãy nghiêm khắc.
Khi dạy dỗ bé cần nghiêm túc.
Khi khen bé đừng tiết kiệm lời khen.
3. Hãy cho bé cách nhìn tích cực
Thái độ của cha mẹ khi nhìn nhận và giải quyết sự việc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ sống của bé. Vậy cha mẹ hãy lan truyền cho con những cảm xúc tích cực để con lạc quan và vui vẻ mỗi ngày.
Hằng ngày khi bé đi học về hãy hỏi bé “Hôm nay con có gì vui không kể cho mẹ nghe nào”, “Hôm nay con làm việc gì có ích ở trường không?”,… Để bé chủ động làm những việc “có ích” để khoe với cha mẹ.
Luôn hướng bé nhìn vào mặt tốt, tích cực của người khác để con them phần tin tưởng và tạo dựng được lòng yêu thương.
4. Không nên ngăn cấm quá nhiều thứ
Cha mẹ có thể đặt ra quy tắc cho những việc được làm và không được làm. Yêu cầu bé tuân thủ và có chế độ thưởng phạt rõ ràng. Ngoài ra, hãy để bé tự do làm những điều bé muốn.
Không phải lúc nào ngăn cấm cũng có tác dụng. Cũng không thể vì những điều bé làm sai mà phán xét bé.
Cha mẹ có thể ngồi phân tích cho bé hiểu việc gì nên hay không nên. Khi bé hiểu bé sẽ không lặp lại những điều không nên nữa.
5. Giải quyết bất đồng bằng thái độ xây dựng
Khi bé nhất định không chịu nghe lời, luôn luôn làm ngược lại điều cha mẹ mong muốn vậy bạn sẽ làm gì?
Bạn không nên chì chiết con.
Bạn không nên đánh con.
Hãy ngồi nói chuyện với bé bằng tinh thần xây dựng và yêu cầu bé hợp tác. Nếu bé nghe lời thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nếu bé không nghe lời, khi đó hãy dung đến hình phạt nghiêm khắc nhất.
6. Thiết lập một nề nếp trong gia đình
Hãy duy trì những bữa ăn tối, những ngày cuối tuần, những hoạt động để cha mẹ và con cái có thể thực hiện cùng nhau. Đừng nghĩ rằng công nghệ có thể làm thay đổi mọi thứ. Cũng không có lý do để chúng ta trễ nải việc gia đình.
Hãy để bé hiểu, gia đình quan trọng thế nào, bé quan trọng thế nào trong mắt cha mẹ.
7. Tìm ra điểm đồng điệu
Nếu bạn có một bé gái, thỉnh thoảng đưa bé cùng đi mua sắm với mẹ.
Nếu bạn có một bé trai, hãy đưa bé đi đá bóng, kéo co hoặc tham gia những chuyến câu cá cuối tuần.
Tận dụng tất cả các khoảng thời gian để gần gũi bé sẽ khiến cha mẹ hiểu rõ bé hơn.
8. Trách nhiệm không của riêng ai
Việc dạy dỗ, chăm sóc con cái là trách nhiệm của cha và mẹ. Đừng cho rằng, chỉ cần người mẹ mà bé có thể lớn lên hoàn thiện. Hãy nói chuyện với người bạn đời của mình để chia sẻ về việc giáo dục và chăm sóc con.
Khoa học cũng đã chứng minh rằng bé được sự quan tâm của cả cha và mẹ sẽ thông minh và định hướng tính cách rõ ràng hơn.
Bé được chứng kiến sự chia sẻ giữa cha và mẹ cũng sẽ học được bài học về sự yêu thương trong gia đình.
9. Hãy làm gương
Cư xử đẹp, nói lời hay, làm việc tốt là những điều bé dễ dàng học, bắt chước theo cha mẹ mình. Vì vậy, mỗi ngày cha mẹ hãy cho con chứng kiến nhiều hơn những hành động đẹp.
Nếu có lỡ quên lời hứa với bé thì hãy thành khẩn xin lỗi bé và mong bé cho mình một cơ hội để làm lại.
Chẳng phải chúng ta luôn yêu thương con cái vô điều kiện hay sao? Vậy nên xin lỗi bé là điều cha mẹ nên làm khi bản thân mắc lỗi.
Dạy dỗ con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng. Để con vừa thông minh, vừa hiểu chuyện, vừa hoàn thiện nhân cách lại là điều khó hơn nữa. Vì thế hãy kiên nhẫn với con nhiều hơn để con hiểu và có những hành động đúng, được không các bậc cha mẹ?
Tâm An
Nguồn: worldkids.edu.vn