8 nỗi sợ lớn của các con (Phần 2)
Tiếp tục với những nỗi sợ tiếp theo mà trong lòng con luôn gặp phải. Ba mẹ đã theo dõi phần 1 thì hãy nhớ và quan tâm đến phần 2 này nữa nhé!
>> 8 nỗi sợ lớn của các con (Phần 1)
Nỗi sợ 5: Con sợ ba mẹ không đủ kiên nhẫn để giải đáp những thắc mắc của con
Tò mò được xem như là bản tính của con người dù ở bất cứ thời điểm nào. Đặc biệt là đối với các con – những đứa trẻ đang trong độ tuổi tìm hiểu và khám phá thế giới diệu kỳ xung quanh. Thế nhưng, ba mẹ không phải ai cũng làm tốt vai trò “người dẫn đường” cho con!
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Có người thì than chê con phiền phức, con quấy rầy và làm ảnh hưởng đến công việc của ba mẹ; chỉ mới nói 2 – 3 câu là đã yêu cầu con ra chỗ khác. Như đã từng nói, trẻ nhỏ tuy chưa hiểu biết nhiều nhưng chúng lại cực kỳ nhạy cảm trong việc nhận biết thái độ và cảm xúc của người lớn. Sự lạnh nhạt và thiếu kiên nhẫn của ba mẹ khiến con cảm thấy rằng sự tò mò của mình là điều sai trái, không nên làm. Từ đó dần dần dù gặp bất kỳ thắc mắc gì trẻ cũng sợ hãi không dám hỏi.
Nghiêm trọng hơn đó chính là hành động của người lớn sẽ khiến con dần đánh mất đi sự tò mò và thói ham học hỏi của mình. Nếu như thời điểm đó ba mẹ không có thời gian trả lời thì trước tiên nên nói rõ cho con hiểu sự bận rộn hiện tại; đồng thời đưa ra khoảng thời gian chính xác để có thể cho con câu trả lời đúng đắn và thích hợp nhất.
Hãy chắc chắn câu giải đáp của ba mẹ là đúng và hãy tự hào vì tò mò chỉ xuất hiện ở những đứa trẻ thông minh, IQ cao!
Nỗi sợ 6: Con sợ ba mẹ không chào đón bạn của con
Giỏi giao tiếp và nhanh chóng hào nhập với xã hội là những kỹ năng ba mẹ luôn muốn con có được. Con cũng vậy, con cũng muốn có bạn để cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Thế nhưng, đôi khi sự quan tâm thái quá và cách xét nét của ba mẹ đã khiến con đánh mất đi bạn bè xung quanh mình.
“Mẹ thấy bạn đó học kém lắm, con chơi với nó rồi lười biếng không chịu học”, “Bạn đó không lễ phép, con kiếm người khác chơi đi” hay “Mẹ không thích bạn đó!” là vô vàn những lí do ba mẹ thường đưa ra để chia rẽ tình bạn của con. Đối với bản thân con, tâm sinh lý dần phát triển nên cách nhìn nhận của con cũng đổi mới. Con hy vọng ba mẹ đừng xem con còn nhỏ để can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con!
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nếu như ba mẹ luôn quản giáo quá chặt và tỏ thái độ rằng mình không thích bạn thân của con thì sẽ dễ sinh ra tâm lý chống đối ở con, từ đó mà khoảng cách giữa ba mẹ và con ngày một lớn dần.
Ba mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn bạn bè và trước khi nói gì hãy đứng trên góc độ nhìn nhận vấn đề của con. Giữa ba mẹ và con cái đều sẽ tồn tại sự khác biệt trong góc nhìn và nhận thức; và ba mẹ cần tôn trọng sự khác biệt này! Tuy nhiên, từ đầu ba mẹ nên định hướng rõ ràng cho con trong việc “Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà học”.
Nỗi sợ 7: Con sợ ba mẹ luôn thấy con kém “con nhà người ta”
Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, con nhà mình luôn không bằng được “Con nhà người ta”. Điều này bắt nguồn từ tâm lý và kỳ vọng vào con quá cao, để rồi khi con không đạt được thì người lớn lại thấy con thua bạn kém bè và rồi trách mắng con bằng những câu so sánh gây tổn thương sâu sắc.
Mỗi người đều sẽ có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, người lớn cũng vậy và các bé cũng vậy. Có lẽ vì sống cùng con mỗi ngày nên vô tình ba mẹ bỏ quên mất những ưu điểm mà chỉ chăm chăm vào khuyết điểm của con?!
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trong suy nghĩ của ba mẹ, chắc hẳn việc so sánh con với người khác chỉ vì mong con lấy đó làm động lực phấn đấu nhiều hơn. Thế nhưng trên thực tế, điêu đó lại gây nên tổn thương rất lớn đối với con, thậm chí ảnh hưởng dài lâu đến suy nghĩ và tính cách của con.
Là ba mẹ, là người thân cận với con nhất, là điểm tựa vững chắc cho con tựa vào,… thì đừng chỉ dựa vào thành tích hào nhoáng để nhận định con không giỏi. Thay vào đó, hãy tìm những ưu điểm của con và khuyến khích con phát huy nó. Hãy luôn tin tưởng và tạo động lực cho con để con tiếp tục phát triển ưu điểm của bản thân. Chắc gì “con nhà người ta” trong lĩnh vực đó đã giỏi được bằng con nhà mình?
Nỗi sợ 8: Con sợ ba mẹ khiển trách con trước mặt người khác
Nhiều ba mẹ thường thích kể lỗi và hạ thấp khả năng của con xuống trước mặt người khác. Thế nhưng ba mẹ lại quên mất rằng làm vậy sẽ khiến con cảm thấy bản thân kém cỏi, không được xem trọng và những người ngoài đều đang cười nhạo mình.
Thêm vào đó, khi người ngoài nghe được câu chuyện, vô tình sẽ có những bình luận thêm vào gây tổn thương đến bé. Họ càng có thể đem chuyện đó đi truyền tai và kể lại với những người khác nữa. Nếu cứ như vậy, ba mẹ đang dần giết chết tâm hồn con mà không hề hay biết!