Phương pháp dạy trẻ mầm non tập viết chữ sớm sẽ được Worldkids – WIS chia sẻ ngay trong bài viết này. Cha mẹ nên dạy bé tập viết chữ từ sớm, có thể bắt đầu ngay từ khi bé biết nguệch ngoạc vẽ những nét vẽ đầu tiên. Để dạy bé tập viết cha mẹ nên chuẩn bị bút sáp màu và giấy, hoặc sách tô màu cho bé tập vẽ để bé bước đầu cảm thấy hứng thú với việc học vẽ ở mức cơ bản nhất.
Nội dung bài viết
1. Nên dạy bé tập viết chữ khi nào?
Các giai đoạn phát triển kỹ năng viết chữ của trẻ nhỏ:
– Từ 12 – 13 tháng tuổi: bé có thể cầm bút sáp màu và tô vẽ khắp nơi trên giấy.
– Từ 16 tháng tuổi: trẻ có thể vẽ nguệch ngoạc trên giấy và trên bất kì nơi đâu trong nhà như bờ tường, tủ lạnh,…
– Giai đoạn 29 – 30 tháng tuổi: trẻ thích vẽ khắp nơi. Ở giai đoạn này bé đã có mục đích vẽ và kỹ năng tiến bộ hơn, đã biết vẽ và có thể pha trộn màu.
– Giai đoạn từ 2 – 5 tuổi: trẻ đã viết và vẽ tiến bộ, có thể tự viết một vài chữ cái lên giấy.
– Giai đoạn 3 tuổi: trẻ có thể viết được đường thẳng đứng, viết một vài chữ cái nhờ bắt chước người lớn. Một vài bé còn biết cách viết tên mình trước khi vào mẫu giáo nếu bé biết trước bảng chữ cái.
– Trẻ ở độ tuổi 4 – 5 tuổi: trẻ đã có thể vẽ được người, đường thẳng, hình tròn, hình vuông, thậm chí vẽ cảnh.
– Lên 6 tuổi là độ tuổi trẻ bắt đầu có thể viết chữ nghiêm túc.
Điều quan trọng nhất khi dạy bé tập viết là cha mẹ hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ luôn sẵn sàng đi học, dạy trẻ biết cách cầm bút đúng, ngồi học đúng tư thế, giữ khoảng cách phù hợp giữa mắt và vở,…
2. Cha mẹ nên làm gì để khuyến khích con tập viết?
Cũng như bất kì kỹ năng mới nào của trẻ, cha mẹ nên khuyến khích và giúp đỡ bé khi tập viết, ngay từ độ tuổi trẻ đi trường học mầm non. Muốn bé thích vẽ và viết, cha mẹ cần cung cấp cho bé giấy, bút, bút sáp màu khi bé cảm thấy hứng thú với việc học vẽ ở mức cơ bản nhất. Trẻ nhỏ thường rất nhanh chán nên cha mẹ hãy thường xuyên thay đổi lúc cho bé học vẽ, lúc thì cho bé tập viết.
Khi bé bắt đầu học viết, điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm là để bé tự học theo khả năng của bản thân.
Biện pháp giáo dục trẻ mầm non và giúp bé có hứng thú với việc tập viết hữu hiệu là cha mẹ hãy luôn nói chuyện và đọc cho bé nghe càng nhiều càng tốt. Bé càng được nghe nhiều thì não bộ sẽ càng phát triển, nó sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bé để phát triển các kỹ năng giao tiếp, bao gồm cả kỹ năng viết.
Cha mẹ thường xuyên đọc truyện cho con và khuyến khích các bé tự tạo những câu chuyện nho nhỏ của mình bằng cách viết những câu ngắn là cách dạy bé tập viết chữ hiệu quả. Trẻ sẽ có hứng thú với việc học viết và ngày càng viết thông thạo hơn.
3. Cách giúp trẻ tập viết tiến bộ
Để bé cầm bút chắc chắn hơn, cha mẹ nên mua cho con bút chì gỗ ngắn để bé có thể cầm gọn bút trong tay và cân bằng tốt hơn khi viết. Mẩu bút sáp nhỏ hoặc viên phấn cũng giúp bé viết dễ dàng hơn.
Trẻ thường rất nhanh chán, sẽ có lúc bé không muốn tập viết lên giấy. Phụ huynh có thể giúp con học chữ lúc làm bếp như viết trên bàn phủ bột, hoặc viết trên chiếc đĩa còn dính sốt cà chua. Bãi cát hoặc nền đất cũng là những bảng viết mới lạ thu hút trẻ.
Trẻ nhỏ khi viết chữ vẫn còn chưa ngay hàng thẳng lối. Cha mẹ nên mua vở tập viết có mẫu chữ để bé tô theo cho quen tay. Khi con đã quen mặt chữ, nên cho bé tập viết trên giấy có kẻ dòng để giúp bé nhận biết khi mình viết lệch hàng.
Các bé thường viết không đều các chữ cao (như chữ T) và chữ cái với đuôi (như chữ g). Cha mẹ có thể sử dụng 3 bút màu khác nhau đánh dấu các đường trên, giữa và dưới của trang giấy. Ví dụ những chữ cao bắt đầu ở dòng màu đỏ, chữ nhỏ thì nằm giữa dòng màu xanh và màu vàng còn các chữ cái với đuôi thì kéo dài xuống màu vàng.
5 nguyên tắc cha mẹ cần nắm khi dạy con tập viết
- Dạy con cầm bút đúng cách ngay từ đầu
- Dạy con giữ tư thế ngồi đúng cách ngay từ đầu
- Dạy con học chắc các nét cơ bản rồi mới bắt đầu học chữ
- Dạy con cần phải dành thời gian mỗi ngày luyện chữ
- Không tạo áp lực cho con
Cách dạy trẻ mầm non tập viết chữ sớm đòi hỏi cha mẹ tập phải trung nhiều sự quan tâm và vô cùng kiên nhẫn. Điều tối kỵ nhất là cha mẹ mất bình tĩnh, quát mắng, chê bai hoặc đánh vào tay trẻ. Bé sẽ mất kiên nhẫn và động lực học viết chữ. Và đừng quên khen ngợi những tiến bộ mà bé có được, bạn nhé!