Sai lầm của cha mẹ khi dạy con trẻ
Worldkids – Sai lầm của cha mẹ khi dạy con trẻ thể hiện qua những điểm gì? Có rất nhiều bậc cha mẹ nổi nóng ngay lập tức vì những biểu hiện chưa tốt của trẻ. Số ít cha mẹ có thể bình tĩnh suy ngẫm xem nguyên nhân bắt đầu từ đâu. Và đôi khi, chúng ta chợt nhận ra rằng, sai lầm những biểu hiện chưa tốt của bé bắt nguồn từ chính cách dạy con sai lầm của chúng ta.
Nếu bé rất hay cố ý đến gần, hỏi han và tìm mọi cách gây sự chú ý của cha mẹ, vậy là sự yêu thương của bạn chưa đủ. Hoặc là bé muốn bạn quan tâm hơn, hoặc là bé có chuyện muốn nói cho bạn nghe. Nếu bạn bực tức xua đuổi bé thì bé cảm thấy tổn thương, không được yêu thương, không mở lòng với cha mẹ nữa.
Nếu bé nói dối thì có thể là vì bạn đã cư xử thái quá trước những lỗi lầm của con trong quá khứ. Bạn nhớ làm xem những lần trước khi bé làm sai bạn đã làm gì? Bạn la mắng, trừng phạt hay dùng quá nhiều lời đe dọa cho con? Vậy những lần sau, khi bé mắc lỗi bé sẽ tìm cách nói dối để không bị phạt nữa.
Sai lầm của cha mẹ khi dạy con trẻ
Nếu bé tự tin, có phải vì bạn luôn luôn la mắng bé mà tiết kiệm lời khen không? Bé làm việc gì cũng không vừa ý cha mẹ thì ắt sẽ nảy sinh tâm lý nghi ngờ và chối bỏ bản thân. Bé luôn nghĩ rằng mình không làm được gì, mình không thể làm tốt việc gì hết.
Nếu bé không biết tự bảo vệ bản thân trước người khác thì có thể do bạn đã trừng phạt bé ngay trước mặt người khác. Nếu sự việc đó thường xuyên diễn ra, bé sẽ cảm thấy xấu hổ về bản thân mình và không thể nào dám đấu tranh cho bản thân mình nữa. Cha mẹ không nên làm điều này trước mặt người khá, thậm chí là ngay trước mặt anh chị em của bé.
Nếu bạn đã mua những đồ tốt nhất cho con mà con vẫn lấy đồ của người khác là bởi vì bé chưa có món đồ bé thực sự muốn. Cha mẹ nghĩ rằng món đồ này tốt, cái kia phù hợp với bé nhưng bé có thật sự cần nó không? Bé có thực sự muốn nó không? Bạn đừng cho bé thứ tốt nhất theo ý bạn. Hãy cho bé thứ mà bé muốn. Vậy hãy hỏi xem bé cần gì.
Nếu con quá nhút nhát thì có thể là do bạn không tạo điều kiện để con cọ xát, va vấp để lớn lên. Cái gì bạn cũng làm thay con nghĩa là bạn đã tự tay gạt bỏ mọi chướng ngại vật trên đường con đi. Bé sẽ dần hình thành thói quen không tự chủ động làm việc gì, lúc nào cũng chờ đợi sự giúp đỡ của cha mẹ, từ đó nảy sinh tâm lý nhút nhát, sợ hãi trước mọi hoàn cảnh.
Nếu con hay đố kỵ, ghen tỵ với người khác, có thể là bởi bạn luôn luôn so sánh con với người khác. “Tại sao bạn A học giỏi thế mà con không được như bạn A? Con nhìn bạn B đi, bạn ấy ngoan ngoãn hơn con gấp nhiều lần kìa…”. Bé phải nghe nhiều sẽ sinh ra sự ghen ghét đố kỵ với người khác và hằn học với chính cha mẹ mình.
Nếu con không tôn trọng cảm xúc của người khác thì phần nhiều là do cha mẹ chỉ biết ra lệnh và đòi hỏi ở con quá nhiều. Bạn không quan tâm bé nghĩ gì, bé muốn gì, bé cần điều gì. Bạn không coi trọng bé đang nghĩ gì vì cho rằng bé là trẻ con. Nhưng cách mà bạn đối xử với con là cách mà bé sẽ đối xử với người khác.
Nếu con luôn cố giữ bí mật đó là vì bạn luôn thổi phồng, làm lớn mọi chuyện. Những đưa trẻ thường có xu hướng nói mọi điều cho cha mẹ. Nhưng nếu cha mẹ thường xuyên nghiêm trọng hóa vấn đề hoặc quá xét nét thì trẻ sẽ dần né tránh. Hãy tâm sự với trẻ như một người bạn, lắng nghe và cố gắng thấu hiểu con của mình. Để bé có thể yên tâm tin tưởng mà nói với bạn mọi điều.
Bây giờ bạn đã bình tâm chưa? Bạn ứng xử với con theo cách nào thì trẻ sẽ trở thành con người như vậy đó.
Nguồn: worldkids.edu.vn