Worldkids – Cách dạy bé tôn trọng sự khác biệt là một vấn đề khá khó với các phụ huynh. Bố mẹ sẽ thường nghe “Tại sao bạn ấy không giống con?”, “Tại sao bạn kia da trắng hơn con?”. Thế nên hãy học cách dạy con tôn trọng sự khác biệt từ lúc nhỏ nó rất tốt cho các con sau này.
Mỗi người là một thực thể duy nhất, không có người nào giống người nào. Chúng ta khác nhau bởi hình dáng, giọng nói, ngôn ngữ, cách thức ăn mặc, hoàn cảnh sống, văn hóa, tôn giáo,… Khả năng của mỗi người cũng không giống nhau. Đó là sự khác biệt.
Trẻ em, ngay từ lứa tuổi trường học mầm non cần phải học một điều là, sự khác biệt giữa người này và người khác là một điều bình thường bởi “Tôn trọng sự khác biệt là biểu hiện của khoa học văn hóa, lòng nhân ái và tính nhân đạo với mục đích cuối cùng là phát triển đến chân – thiện – mỹ”.
Những điều trẻ hay thắc mắc
Khi quan sát cuộc sống xung quanh, bé sẽ hay thắc mắc những câu như:
“Tại sao bạn ấy không giống con?”
“Tại sao bạn kia da trắng hơn con?”
“Tại sao con không học giỏi giống bạn?”
“Tại sao bạn làm được mà con không làm được?”
“Sao bạn bé thế phải đi bán hàng rong?”
Đó là những điều bé không hiểu và không tự lý giải được. Nhưng như một bản năng tự nhiên, bé rất dễ dàng chấp nhận sự khác biệt. Bé kết bạn rất nhanh, kết thân cũng rất mau chóng. Khi bé phân biệt sự khác biệt là do bị ảnh hưởng từ thái độ đánh giá sự khác biệt của người lớn.
Có thể nhận thấy, thái độ của cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi có tác động rất lớn đến tâm lý và hành vi ứng xử đối với sự khác biệt của trẻ nhỏ. Cha mẹ nghĩ thế nào con sẽ nghĩ thế đó. Cha mẹ ứng xử thế nào con sẽ làm theo đó. Nhưng chưa hẳn, người lớn như chúng ta đã hiểu được thế nào là chấp nhận sự khác biệt.
Hiểu về chấp nhận sự khác biệt như thế nào?
Chúng ta đã từng cười chê người khác ăn mặc không giống như đa số? Chúng ta lên án người khác lập dị? Chúng ta lắc đầu ngao ngán không hiểu tại sao họ nghĩ thế kia? Chúng ta đưa ra giả thiết nếu là mình thì sẽ làm thế này … Cười chê, lên án, không đồng tình đó là cách chúng ta đánh giá sự khác biệt bởi vì chúng ta không chấp nhận nó.
Nhưng mỗi người xuất thân từ một hoàn cảnh khác nhau, được hưởng thụ một sự giáo dục riêng trong phông văn hóa riêng. Không ai giống ai. Chúng ta tôn trọng cách nghĩ của họ đồng nghĩa với việc tôn trọng văn hóa của họ. Đừng cho rằng họ nghĩ không giống mình là họ sai. Đừng cho rằng mình làm khác đi là mình đúng. Đôi khi chúng ta áp đặt ý kiến chủ quan của mình lên người khác để nhìn nhận vấn đề. Làm như vậy, đúng sai không phải là kết quả công bằng.
Mỗi sự vật, hiện tượng đều tồn tại hai hoặc nhiều thái cực khác biệt. Không có gì là đúng hoàn toàn hoặc sai hoàn toàn. Vấn đề nằm ở cách nhìn nhận. Nếu chúng ta chấp nhận sự khác biệt thì sẽ có thái độ cởi mở, dễ thông cảm. Nếu chúng ta không chấp nhận sự khác biệt thì sẽ có thái độ khắt khe hơn. Những người thiếu tích cực lại hay bị ảnh hưởng bởi những người có tư duy phê phán.
Hãy mở lòng để chấp nhận sự khác biệt, để có thái độ sống tích cực và đúng đắn nhất. Chỉ như thế bạn mới truyền được năng lượng tốt đến chính những đứa con của mình. Bé nhà bạn sẽ hiểu thế nào là chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.
“Hãy dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt từ khi lọt lòng”
“Hãy dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt từ khi lọt lòng” là một khuyến nghị của tổ chức UNICEF.
Nếu chúng ta chỉ nói lý thuyết cho trẻ, trẻ sẽ không thể hiểu, không thể ghi nhớ và không thể làm theo. Hãy chỉ cho bé thấy những điều khác biệt và dạy bé cách ứng xử đẹp nhất.
Hãy giải thích cho trẻ hiểu “tại sao bạn không giống con?”. Vì con và bạn không phải do cùng mẹ sinh ra, lại học được những điều khác nhau. Nhưng hãy tôn trọng bạn để bạn tôn trọng con.
“Tại sao con không học giỏi giống bạn?”. Khi nghe câu hỏi này các bậc cha mẹ thường có xu hướng so sánh nhằm kích thích tinh thần phấn đấu của con như “con phải thế này, con phải thế kia để bằng bạn…”. Có khi sẽ phản tác dụng đẩy bé của bạn vào sự tự ti. Cha mẹ nên chỉ cho con hiểu rằng “con và bạn có những khả năng khác nhau. Con giỏi cái này thì bạn giỏi cái khác. Chỉ cần con cố gắng học tập nghiêm túc là tuyệt vời rồi”…
Hãy chỉ cho bé những mảnh đời bất hạnh hơn để bé sẻ chia với những người không may mắn. Cùng bé lên kế hoạch cho một chuyến đi đến các trung tâm tình thương để bé có cơ hội chơi và kết bạn với những người bạn sống ở đó.
Nhắc bé không nên chăm chú vào khuyết điểm của người khác. Hãy tìm điểm tích cực của họ để hiểu họ hơn.
Khuyến khích bé nói lên suy nghĩ của mình, để có thể giải thích cho bé hiểu mọi vấn đề.
Giúp con nâng cao phần tự tin bằng chỉ cho con về lịch sử gia đình, nhận diện sự khác biệt và tự hào về nó.
Chấp nhận sự khác biệt là một nét đẹp văn hóa cần được truyền dạy cho trẻ. Khi trẻ hiểu sẽ có những hành vi đẹp ở nhà, ở lớp và ở ngoài xã hội. Từ đó, trẻ sẽ yêu thương nhiều hơn, bao dung nhiều hơn, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình.
Nguồn: worldkids.edu.vn