Dạy bé hiểu về sự công bằng

Worldkids – Công bằng hiểu như một đứa trẻ nghĩa là đối xử ngang bằng nhau, không có sự phân biệt. Khi ai đó đưa ra một quyết định hoặc có hành động cư xử đưa trẻ vào tính thế bất lợi, trẻ sẽ phản kháng lại bằng câu nói “như thế là không công bằng”. Có bậc cha mẹ nào chưa từng nghe con bạn nói câu này không? Nếu chưa từng được nghe, vậy thì chúc mừng bạn bởi bạn đã cho trẻ sự công bằng mà trẻ muốn.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, công bằng không phải là mọi thứ được chia ngang bằng nhau như người lớn thường làm. Trẻ cho rằng công bằng là 90-10, tức là trẻ được phần hơn, phần nhiều thì mới thỏa mãn. Bước vào giai đoạn 3 tuổi, trẻ sẽ hiểu thế nào là “của tôi” và “của bạn” và có một sự phân biệt rạch ròi về sự sở hữu. Có rất nhiều trẻ, thực hiện đủ mọi hành động từ mè nheo, khóc lóc, ăn vạ… chỉ để đòi lại thứ mà cho rằng thuộc sở hữu của mình. Điều này không có gì lạ.
Khi tranh chấp và mâu thuẫn không được giải quyết, một trong các bé sẽ thấy mình bị đối xử bất công, sinh ra sự khó chịu, bực bội, thậm chí là oánh trách. Những ấm ức dồn nén lâu ngày sẽ gây tổn thương tâm lý, trẻ cảm thấy tự tin, che giấu cảm xúc hoặc sinh ra ương bướng, khó bảo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé học mầm non
Đối với bất kỳ đứa trẻ nào việc chia sẻ đồ ăn, đồ chơi, tình yêu đều không dễ dàng. Trước hết, dạy trẻ hiểu rằng công bằng thể hiện ở hành động, kết quả trung thực và hợp tình hợp lý. Muốn dạy trẻ điều đó hãy đối xử công bằng với trẻ, tiếp theo là hãy dạy trẻ về sự công bằng.
- Đối xử với trẻ công bằng
Là cha mẹ, chúng ta có quyền kiểm soát cuộc sống của con. Cha mẹ có quyền đặt ra những quy định về giờ ăn, giờ ngủ, đồ ăn, quần áo, giờ chơi, hình phạt và phần thưởng cho trẻ. Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn nhất quán và không phạm quy. Hãy cho con cảm nhận tình yêu thương và sự tôn trọng từ cha mẹ, đừng đối xử với con theo nguyên tắc vua – tôi, tức là con cái phải phục tùng cha mẹ vô điều kiện.
Dù bạn có một con, hai con hay nhiều đứa con hơn nữa, hãy đối xử với chúng như nhau với các quy định trong gia đình. Đừng vì đứa này nhỏ, đứa kia lớn mà đối xử khác đi. Đừng vì đứa này ngoan ngoãn, đứa kia bướng bỉnh mà có hình phạt khác nhau. Khi nguyên tắc được thực thi chính xác thì những đứa con của bạn sẽ chấp nhận và chấp hành.
Hãy phân chia không gian riêng cho những đứa trẻ trong ngôi nhà của bạn. Mỗi đứa trẻ có quyền sử dụng không gian riêng để bày biện đồ đạc theo ý mình muốn. Nếu bạn mua sắm quần áo cho con, đừng mua cho tất cả giống nhau. Hãy đề ra giới hạn về khoản tiền và cho bé tùy chọn các món đồ trong giới hạn đó.
Hãy tôn trọng trẻ. Bạn đề ra nguyên tắc vào phòng phải gõ cửa thì đừng tự tiện xông vào phòng trẻ khi chưa được trẻ đồng ý. Bạn có quyền từ chối các yêu cầu của trẻ thì hãy cho trẻ được từ chối một vài yêu cầu của bạn. Con cự lại chưa chắc đã phải con hư. Có thể con phản ứng bởi cảm thấy bạn đang đối xử không côn bằng. Vậy hãy xem lại nhé.
Hãy giữ lời hứa. Là cha mẹ không có nghĩa là có quyền không giữ lời hứa hoặc dùng nhiều lý do để không giữ lời hứa. Trẻ không cần biết lý do, nhận thức của trẻ chỉ dừng lại ở việc cha mẹ “không côn bằng”. Bộ não trẻ đã có thể ghi nhớ trong quá trình hoàn thiện nhận thức, vì thế, nếu việc đó lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ không còn tin tưởng ở bạn nữa. Đừng hứa chỉ vì bạn quá mong mỏi bé thực hiện điều gì đó, hãy chắc rằng đó là điều bạn làm được. Đừng biến lời hứa thành “mồi nhử” bởi sau một vài lần bé của bạn đã có thể nhận thức được hành vi đó.
Nói với trẻ lời “cảm ơn” và “xin lỗi”. Không phải chỉ có trẻ mới cần sự phát triển nhân cách, cha mẹ cũng phải trau dồi nhân cách mỗi ngày. Lời “cảm ơn” và “xin lỗi” là một nét đẹp trong cư xử. Con người ai cũng có thể mắc phải sai lầm, thừa nhận sai lầm tức là biết nhận sai và sửa sai. Trước một hành động giúp đỡ của ai đó, cần phải bày tỏ sự biết ơn đối với họ. Nếu làm sai hãy nói “xin lỗi” trẻ, nếu nhận được sự hợp tác hay giúp đỡ từ trẻ hãy nói “cảm ơn”. Bé có thể cảm nhận được sự tôn trọng và đối xử công bằng “như một người lớn” mà cha mẹ dành cho mình.
Hãy lắng nghe trẻ. Khi trẻ làm đúng hay khuyến khích. Khi trẻ làm sai hoặc không tuân theo quy tắc, hãy cho trẻ cơ hội giải trình. Nếu được lắng nghe, giải thích, bào chữa trẻ sẽ hiểu là mình đang được đối xử công bằng. Việc chấp nhận hình phạt theo quy định sẽ dễ dàng hơn.
Đừng nuông chiều mọi đòi hỏi của trẻ. Trong quá trình giáo dục, cha mẹ cần khéo léo, không quá nuông chiều cũng không quá nghiêm khắc. Hãy tạo ra bầu không khí yêu thường bằng nhiều cử chỉ và từ ngữ đẹp để xoa dịu tâm hồn trẻ, hướng trẻ đến những điều tích cực trong cuộc sống.
- Dạy con về sự công bằng
Trước hết, cha mẹ hãy làm gương. Mọi lời nơi, hành động của cha mẹ đều được trẻ quan sát và ghi nhớ. Muốn con lịch sự thì cha mẹ phải lịch sự với mọi người xung quanh. Muốn con có ý thức bảo vệ môi trường thì cha mẹ phải bỏ rác đúng nơi quy định. Muốn con yêu thương anh chị em thì cha mẹ phải yêu thương nhau. Không có cách dạy nào hiệu quả hơn việc làm gương cho trẻ noi theo. Trẻ thấy được mọi người cư xử công bằng với nhau sẽ thích thú hơn khi làm theo và dần hiểu được những quy tắc về sự công bằng trong gia đình.
Hãy dạy trẻ biết chia sẻ. Bé cần được học cách yêu thương và chia sẻ với anh chị em, bạn bè. Và hãy nói cho bé hiểu rằng, chia sẻ là điều rất quan trọng. Đối với một sự việc, bạn cho bé nhiều lựa chọn để bé thoải mái lựa chọn điều mình thích mà vẫn hợp lý. Khi bé làm đúng hãy khen ngợi để bé hiểu việc mình làm có giá trị và có ý nghĩa, lần sau bé sẽ muốn tiếp tục làm những việc tốt nữa.
Nếu bé nhất quyết không chịu chia sẻ và tuân thủ nguyên tắc hãy dành cho bé một hình phạt. Trước hết, bạn phải thông báo rõ ràng những quy định và những hình phạt. Nếu bé làm sai hãy hỏi bé: tại sao lại làm như thế, có biết hậu quả không, có biết mình sai không. Bạn có thể thu thập thêm chứng cứ hoặc hỏi thêm vài người chứng kiến hành động của bé. Sau đó, hãy quyết định một hình phạt thích hợp giành cho bé, có thể để bé ở phòng kín suy nghĩ, hoặc thu đồ chơi một thời gian, hoặc không được ăn món ăn bé thích trong 1 ngày,… Khi phạt bé hãy nghiêm khắc và kiên quyết. Không dùng những lời thiếu tích cực hoặc đe dọa.
Dạy bé cách tự giải quyết vấn đề. Hướng dẫn bé cách tự giải quyết tranh chấp với bạn, hoặc anh chị em để bé nâng cao kỹ năng xử lý tình huống. Hãy cho bé một vài gợi ý để bé làm chủ cảm xúc của mình, không gây ra những hành động không nên làm.
Công bằng thể hiện ở hành động, kết quả trung thực và hợp tình hợp lý. Hãy để bé hiểu rằng công bằng chỉ có tính tương đối, không phải là tuyệt đối ở nhiều vấn đề và tình huống khác nhau. Tỷ phú BillGates từng nói “cuộc sống vốn không công bằng. Hãy tập làm quen với điều đó”. Chúng ra không thể dạy bé rằng cuộc sống là không công bằng. Hãy dành cho bé sự tôn trọng, sự đối xử công bằng với những giải trình hợp lý để bé biết chia sẻ và tôn trọng người khác.
Giáo dục con cái chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Trẻ con là tờ giấy trắng. Vì thế cha mẹ hãy viết lên những dòng đẹp đẽ nhất để đứa trẻ phát triển toàn diện với thái độ tích cực và lạc quan nhất trong những năm tháng đầu đời.
Tố An
Nguồn: worldkids.edu.vn

Nguyễn Xuân Thời
Ông Nguyễn Xuân Thời sáng lập Worldkids vào năm 2010 với tầm nhìn trở thành Hệ thống Trường Mầm Non chất lượng quốc tế dẫn đầu tại Việt Nam và khu vực. Với sứ mệnh mang đến dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tốt nhất với chi phí hợp lý, nhằm tạo cơ hội cho tất cả các em bé trong mọi tầng lớp gia đình có thể được thừa hưởng môi trường học tập quốc tế.